14 dự án điện mặt trời hưởng giá sai: Bộ Công Thương yêu cầu EVN có giải pháp
Bộ Công Thương vừa yêu cầu EVN rà soát, đề xuất giải pháp xử lý kinh tế với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng Nghị quyết 115/NQ-CP và báo cáo trước ngày 31/8.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp xử lý kinh tế với 14 dự án điện mặt trời đã và đang được hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018.
Cụ thể, bao gồm các nhà máy: Hacom Solar, Sinenergy Ninh Thuận 1, Thuận Nam Đức Long, Thiên Tân solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Mỹ Sơn 2, Mỹ Sơn, Solar Farm Nhơn Hải, Bầu Zôn, Thuận Nam 12, SP Infra1, Adani Phước Minh, Hồ Bầu Ngứ (Ngăn 473), Nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp trạm 500 kV Thuận Nam và Đường dây 500kV, 220kV.
14 dự án điện mặt trời hưởng cơ chế giá không đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
|
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, 14 dự án này được áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP. Do vậy, từ năm 2020 đến 30/6/2022, EVN đã phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỷ đồng (tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu, với các dự án điện mặt trời, điện gió nối lưới trên toàn quốc đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) theo giá biểu giá điện hỗ trợ (FIT), EVN cần báo cáo, cung cấp các căn cứ theo quy định của pháp luật để thực hiện các thoả thuận chuyên ngành điện lực; ký kết hợp đồng mua bán điện; kiểm tra điều kiện và đóng điện điểm đấu nối; kiểm tra khả năng điều kiện sẵn sàng phát điện; công nhận COD; đưa công trình điện lực vào vận hành; thanh toán tiền mua bán điện; dừng huy động, tách đấu nối.
Đồng thời, EVN cũng được giao rà soát toàn bộ quá trình thực hiện các thoả thuận chuyên ngành điện lực, ký hợp đồng mua bán điện, kiểm tra điều kiện và đóng điện điểm đấu nối, công nhận COD, đưa công trình điện lực vào vận hành và thanh toán tiền mua điện theo giá FIT cho chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời.
EVN phải đề xuất các phương án giải quyết, xử lý với các tồn tại, vi phạm của chủ đầu tư và tập đoàn.
Với các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà đầu tư xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng với công suất lớn, xấp xỉ 1 MW, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chủ trì, phối hợp với các công ty điện lực tỉnh rà soát, kèm theo danh sách, thông tin cụ thể từng dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà (nếu có);
Xem xét, đề xuất các phương án giải quyết, xử lý việc áp dụng giá điện của dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, kèm theo danh sách, thông tin cụ thể từng dự án/hệ thống (nếu có).
EVN cũng được yêu cầu làm việc với Công ty CP Thuỷ điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, trên cơ sở đó các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
EVN xác định số lãi đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và Nhà máy thuỷ điện Sông Bung 4A; thực hiện rà soát, đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP của EVN được yêu cầu gửi về Bộ Công Thương trước ngày 31/8.
Lương Bằng
Vietnamnet
|