Xuất khẩu gạo: Tín hiệu vui và bài toán đảm bảo an ninh lương thực
Trước diễn biến thuận lợi về thị trường và giá, gạo của VN đang thu được kết quả tích cực cả về kim ngạch và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán về đảm bảo an ninh lương thực.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để tăng trưởng về sản lượng và giá trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang giảm sút do thiếu đơn hàng và lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia thì gạo lại nổi lên như một điểm sáng trong “bức tranh” xuất khẩu nói chung và các ngành hàng nông sản nói riêng.
Nếu như năm 2022, xuất khẩu gạo đạt hơn 7 triệu tấn và nằm trong nhóm hàng “tỷ đô” thì dự báo năm 2023, mặt hàng này có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm trước. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu mặt hàng lương thực này sẽ còn tác động tích cực đến giá và nhu cầu gạo xuất khẩu của nước ta, góp phần tăng tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong năm 2023.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về nông nghiệp, song trước biến động của thời tiết, nhất là hiện tượng El Nino đã tác động lớn đến sản lượng lúa gạo của nhiều quốc gia trên thế giới thì việc tận dụng các cơ hội để gia tăng xuất khẩu là hết sức quan trọng. Điều này hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa việc ban hành các cơ chế, chính sách của Chính phủ cùng với sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu…
Tuy vậy, chúng ta cũng không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá cũng như ổn định đời sống, thu nhập cho người nông dân.
Bài 1: Đơn hàng tăng, doanh nghiệp bội thu khi gạo được giá
Hiện nay, gạo của Việt Nam đang được nhiều quốc gia đặt hàng và trước diễn biến thuận lợi về thị trường, việc xuất khẩu gạo tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực.
Dồn dập nhận tin vui
Ông Nguyễn Phước Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Trung An và nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo tiếp tục tăng trưởng tốt do thời tiết ở nhiều quốc gia châu Á khắc nghiệt; tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khiến nguồn cung gạo bị thiếu hụt.
“Công ty vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Đây là mức giá cao trong số các nước xuất khẩu gạo và đơn hàng sẽ được thực hiện trong tháng 7/2023. Trước đó, cũng tại thị trường này, công ty đã giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo,” ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng cho biết Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm. Trong khi đó, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng.
“Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ. Giờ chờ thu mua lúa gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp," ông Nguyễn Văn Đôn nói.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV, ngoài thị trường truyền thống, ví dụ như Philippines mỗi năm mua của Việt Nam từ 2,3-3 triệu tấn gạo, gần đây các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hợp đồng từ Trung Quốc, Indonesia.
Đặc biệt, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể đồng thời tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.
"Năm ngoái Ấn Độ cũng làm vậy nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Điều đó đã kéo theo giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh, trong đó có giá gạo của Việt Nam," ông Nguyễn Văn Thành cho hay.
Các sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam được nhiều quốc gia ưa chuộng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Nhờ giá cao và đơn hàng tới tấp, kim ngạch xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm tăng mạnh. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong tháng 6/2023, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 650.000 tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 lên con số 4,27 triệu tấn và đạt giá trị đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng thu được những kết quả vô cùng ấn tượng khi số lượng đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm trở lại đây với giá trị đạt 3,45 tỷ USD, tăng 5,1% về kim ngạch và giá xuất khẩu bình quân năm đạt 486 USD/tấn.
Đáng chú ý, từ tháng 8/2022 đến hết năm 2022, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới, vượt gạo Thái Lan 15-27 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 40-50 USD/tấn.
Đảm bảo được nguồn cung
Báo cáo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy sản lượng gạo thương mại toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn, xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Các chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm tiếp tục là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Ấn Độ hiện chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, nên việc quốc gia này cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo Basmati) cộng với bối cảnh El Nino tác động xấu đến sản xuất lúa, gạo toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua lương thực phục vụ tiêu dùng và tích trữ đồng thời kéo giá gạo tăng cao trong thời gian tới.
Việt Nam là nước xuất khẩu thứ 3 thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng tích cực từ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra bài toán cho Việt Nam về việc vừa đảm bảo nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 là cần ít nhất 4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn phải cân đối đủ cho việc dự trữ và tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá Việt Nam chỉ có diện tích 1,7 triệu ha đất lúa, nhưng năng suất trồng lúa khá cao, giá gạo xuất khẩu cao hơn Ấn Độ, xấp xỉ Thái Lan.
“Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển được các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 cũng như tạo ra được rất nhiều sản phẩm chế biến sâu từ giống lúa này. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, kế hoạch sản xuất lúa năm 2023, xuống giống 3,798 triệu ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 23,921 triệu tấn lúa,” ông Cường cho hay.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích trồng lúa vụ Đông Xuân năm nay giảm 40.000 ha so với năm trước, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên sản lượng vẫn tăng 250.000 tấn.
Kế hoạch năm 2023, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha. Sản lượng dự kiến đạt 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.
Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng đã thu được khoảng 21,8 triệu. Dự kiến, diện tích lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1/2024.
Nhớ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất, sản lượng lúa gạo liên tục tăng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Theo thống kê, mỗi năm tiêu thụ gạo trong nước đạt khoảng 10 triệu tấn gạo (15 triệu tấn thóc). Số thóc dùng để làm giống và chế biến, làm thức ăn chăn nuôi… khoảng 12 triệu tấn. Năm 2023, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt trên dưới 8 triệu tấn gạo. Do vậy, với sản lượng dự kiến năm nay đạt khoảng 43 triệu tấn thóc thì Việt Nam vẫn hoàn toàn chủ động và đảm bảo an ninh lương thực.
Triển vọng cuối năm
Theo dự báo, đà tăng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì trong nửa đầu năm 2023, với mức bình quân gần 520 USD/tấn. Cùng với đó, việc nhiều quốc gia đang mở thầu để mua gạo của Việt Nam sẽ là những tín hiệu vui cho ngành sản xuất lúa gạo trong nước.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
Ngoài ra, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ. Tính chung giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 25/7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 543 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với thời điểm giao dịch ở ngày 20-7 với mức giá 533 USD/tấn. Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu 25% tấm cũng tăng thêm 10 USD/tấn, đạt mức 523 USD/tấn vào ngày 25/7…
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết hiện nay, nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao, từ tất cả các thị trường. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Chính vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong năm 2023-2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh El Nino diễn biến phức tạp và căng thẳng địa chính trị buộc nhiều nước tăng dự trữ lương thực, vì vậy, xuất khẩu gạo 6 tháng qua tăng trưởng rất tốt cả về sản lượng và giá trị, có nhiều khả năng năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt trên dưới 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD.
Nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, mới đây, Thủ tướng ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg, trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo đồng thời tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định thương mại để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam./.
Hồng Kiều - Xuân Quảng
Vietnamplus
|