Người tiêu dùng Mỹ lạc quan nhất kể từ tháng 9/2021
Lạm phát hạ nhiệt trong vài tháng gần đây đã giúp người Mỹ cảm thấy lạc quan hơn về tương lai.
Theo cuộc khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số đo lường tâm lý của người tiêu dùng tăng 13% trong tháng 7/2023, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2006. Đồng thời, chỉ số tâm lý cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2021.
Trong khi đó, báo cáo từ Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Người tiêu dùng dự báo lạm phát ở mức 3.4% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 5.4% của năm 2022.
“Tâm lý lạc quan hơn chủ yếu đến từ sự hạ nhiệt của lạm phát và sự ổn định trên thị trường lao động”, Joanne Hsu, Giám đốc của tổ chức Khảo sát Người tiêu dùng, cho biết trong thông cáo báo cáo ngày 14/07.
Kết quả khảo sát cho thấy sự cải thiện trên diện rộng, dẫn đầu là “mức tăng 19% về các điều kiện kinh doanh dài hạn, trong khi điều kiện kinh doanh ngắn hạn tăng 16%”, theo thông cáo báo chí.
“Giá khí gas giảm và giá chứng khoán tăng cũng góp phần thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng”, Kieran Clancy, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics, cho biết.
Chi tiêu tiêu dùng - đóng góp 1/3 GDP - đã suy yếu trong vài tháng gần đây khi nền kinh tế giảm tốc. Chi tiêu tiêu dùng tăng 0.1% trong tháng 5/2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0.6% trong tháng trước đó, theo dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ. Khi điều chỉnh lạm phát, chi tiêu tiêu dùng đi ngang.
Bất chấp những nỗ lực nâng lãi suất từ Fed, thị trường lao động vẫn vững chắc, trong khi lạm phát hạ nhiệt dần dần.
Trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn dự báo tăng 3.1% của các chuyên gia kinh tế. So với tháng trước, CPI tăng 0.2%, cũng thấp hơn dự báo 0.3%. Nếu loại bỏ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 4.8% so với cùng kỳ và 0.2% so với tháng trước. Con số này thấp hơn so với dự báo tăng 5% và 0.3% từ các chuyên gia kinh tế.
Điều này cho thấy kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” (soft landing), tức kéo giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế giảm mạnh. Một số quan chức Fed tự tin về khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế.
“Mục tiêu tối thượng của Fed lúc này là kéo giảm lạm phát. Chúng tôi sẽ thành công, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu làm được điều này mà không gây ra suy thoái”, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết. “Đó là con đường hoàng kim và tôi nghĩ chúng tôi đang trên con đường đó. Vì vậy, hy vọng là chúng tôi có thể ngăn suy thoái xảy ra”.
Hướng tới hạ cánh mềm?
Dù đang trong tình cảnh kinh tế đầy khó khăn, song người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu. Một số chuyên gia kinh tế giờ đã thay đổi dự báo về suy thoái, trong đó có CEO Bank of America Brian Moynihan và CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon.
Trong cuộc họp về tình hình tài chính ngày 14/07, ông Dimon cho biết hiện có quá nhiều điều không chắc chắn về nền kinh tế Mỹ, dù lạm phát đã hạ nhiệt trong vài tháng gần đây. Xác suất hạ cánh mềm ngày càng tăng.
“Tôi chưa biết liệu kinh tế sẽ hạ cánh mềm, suy thoái nhẹ hay suy thoái trầm trọng”, ông Dimon cho biết.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed đến nay vẫn chưa dẫn tới suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục tập trung kéo giảm lạm phát bằng mọi giá. Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục cảnh báo về mối nguy cơ từ lạm phát cao hơn kéo dài, dường như sẵn sàng đẩy kinh tế vào suy thoái chỉ để kéo giảm lạm phát.
Trong cuộc họp tháng 6/2023, các quan chức Fed cảnh báo lạm phát cao càng kéo dài thì “nguy cơ kỳ vọng lạm phát trở nên mất kiểm soát ngày càng lớn”.
Vũ Hạo (Theo CNN)
FILI
|