Thứ Ba, 25/07/2023 08:20

Hoạt động kinh doanh của Eurozone sụt giảm mạnh trong tháng Bảy

Sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế của hai "đầu tàu" trong khu vực là Pháp và Đức đã phần nào gây ra sự suy giảm tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh ở khu vực Eurozone nói chung.

Người dân mua sắm tại một chợ ở Cascais, Bồ Đào Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động kinh doanh ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Bảy suy giảm mạnh hơn rất nhiều so với dự báo do nhu cầu đối với ngành dịch vụ then chốt của Eurozone suy giảm, trong khi sản lượng sản xuất cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do ngân hàng Hamburg Commercial Bank (HCOB) của Đức phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 48,9 trong tháng Bảy so với mức 49,9 trong tháng Sáu.

Chỉ số PMI trong tháng Bảy cũng là chỉ số thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, thấp hơn mức 49,7 do hãng tin Reuters ước tính sơ bộ trước đó và cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 để được công nhận là tăng trưởng.

PMI vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Cụ thể, theo số liệu của hãng tin Reuters, PMI đối với ngành dịch vụ của Eurozone trong tháng Bảy giảm xuống 51,1 so với mức 52 của tháng Sáu. PMI đối với ngành sản xuất của Eurozone trong tháng Bảy giảm xuống mức 42,7 từ mức 43,4 trong tháng Sáu.

Ông Cyrus de la Rubia - nhà kinh tế trưởng đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng HCOB - nhận định: "Ngành sản xuất và chế tạo vẫn là 'gót chân Achilles' (điểm yếu) của khu vực Eurozone. Các nhà sản xuất đã tiếp tục cắt giảm sản lượng với tốc độ tăng nhanh vào tháng Bảy. Trong khi đó, hoạt động ngành dịch vụ vẫn đang mở rộng, mặc dù với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với hồi đầu năm."

Chuyên gia này cũng cho rằng kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng suy giảm trong những tháng tới do ngành dịch vụ đang mất đà tăng trưởng.

Theo hãng tin AFP, sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế của hai "đầu tàu" trong khu vực này là Pháp và Đức đã phần nào gây ra sự suy giảm tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh ở khu vực Eurozone nói chung.

Theo số liệu mới nhất, hoạt động kinh tế của Đức đã thu hẹp khi sản lượng sản xuất lần đầu tiên giảm mạnh kể từ tháng 1/2023.

Các số liệu PMI được công bố trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tuần này nhằm kiềm chế lạm phát.

Lạm phát của khu vực Eurozone trong tháng Sáu đã giảm xuống mức 5,5% song vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra.

Do đó, nhiều khả năng ECB sẽ quyết định thực hiện tăng lãi suất một lần nữa khi các nhà hoạch định chính sách của ECB nhóm họp vào ngày 27/7.

Nền kinh tế Eurozone đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật từ đầu năm 2023 và tăng trưởng của khu vực này dự đoán sẽ đạt khoảng 1% trong năm nay./.

Nguyễn Hà 

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Fed sắp nâng lãi suất lần cuối cùng? (24/07/2023)

>   ECB tăng cường giám sát khả năng thanh khoản của các ngân hàng (23/07/2023)

>   Lợi nhuận TSMC giảm lần đầu tiên sau 4 năm (21/07/2023)

>   Grab sắp thâu tóm hãng taxi lớn thứ ba của Singapore (20/07/2023)

>   ADB dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á sẽ 'hạ nhiệt' (20/07/2023)

>   Tata sẽ đầu tư 5,2 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất pin EV tại Anh (19/07/2023)

>   Kinh tế Mỹ đón nhận số liệu không như kỳ vọng trong tháng 6 (19/07/2023)

>   Giá lúa mì tăng vọt sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine (18/07/2023)

>   Thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu 'phá băng' (17/07/2023)

>   GDP Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lập kỷ lục (17/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật