Thứ Bảy, 08/07/2023 09:30

Để tiếp tục hút dòng vốn FDI vào TP.HCM

Theo chuyên gia, năm 2024 Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách ưu đãi về thuế hiện tại sẽ không còn là lợi thế nên cần thiết phải cải thiện môi trường đầu tư.

Ngày 7-7, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VN) - VIAC tổ chức hội nghị “Tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư (NĐT) tại TP.HCM”.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn FDI. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy Samsung (Hàn Quốc) ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Q.HUY

Khi chính sách thuế không còn là lợi thế

Theo ông Phan Thành Trung, đại diện Công ty tư vấn GWA VN, thuộc Tập đoàn tư vấn GWA Greatway Advisory (có trụ sở tại Thượng Hải - Trung Quốc), chính sách thuế hiện tại ở VN là một trong những công cụ đắc lực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, năm 2024, khi VN áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì chính sách ưu đãi về thuế này sẽ không còn giá trị. Do đó, cơ quan nhà nước cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ khác kịp thời cho NĐT FDI đã và đang đầu tư tại VN cũng như thu hút dòng vốn FDI trong tương lai.

Hiện nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành cơ quan VN đang thảo luận ban hành các chính sách hỗ trợ cần thiết cho các NĐT. Một trong số đó là việc tập trung cải thiện yếu tố môi trường đầu tư.

Môi trường ở VN đang được các quốc gia trên thế giới đánh giá tích cực khi xếp hạng tín nhiệm và ổn định ở châu Á.

Theo ông Trung, môi trường ở VN đang được các quốc gia trên thế giới đánh giá tích cực khi xếp hạng tín nhiệm và ổn định ở châu Á. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các NĐT nước ngoài khi đầu tư tại TP.HCM nói riêng và VN nói chung là thủ tục hành chính và việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Đơn cử, một dự án đầu tư nước ngoài trung bình từ lúc nộp hồ sơ đến lúc có kết quả cấp giấy phép mất khoảng 2-3 tháng, chưa tính thời gian chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ. Đối với dự án phức tạp như có nhà máy sản xuất thì phải đánh giá tác động môi trường hoặc phải xin phép sử dụng đất…

Cũng theo ông Trung, hiện nay cơ sở hạ tầng vẫn còn cản trở các NĐT. Ngoài ra, doanh nghiệp khi đầu tư ở VN, nhất là ngành sản xuất hoặc gia công phải tìm địa điểm thực hiện dự án đầu tư khá khó khăn do liên quan đến việc xin giấy phép về đất đai, môi trường, PCCC…

TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 thu hút đạt trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỉ USD. Đến nay, TP đã thu hút được bảy dự án công nghệ cao và 250 triệu USD.

Lo rủi ro pháp lý

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào VN và TP.HCM đối mặt với nhiều rủi ro về pháp lý. Đầu tiên là cách hiểu, diễn giải quy định văn bản pháp luật. Có trường hợp doanh nghiệp được bộ, ngành trung ương giải thích, căn cứ vào đó doanh nghiệp ra quyết định đầu tư nhưng sau một thời gian có sự thay đổi.

Nguyên tắc theo Luật Đầu tư, khi có những thay đổi về quy định pháp luật thì cần bảo vệ quyền lợi của NĐT nhưng các cán bộ quản lý không bám sát nguyên tắc này nên quyền lợi của NĐT không được đảm bảo.

Rủi ro thứ hai là quy định về tiếp cận đất đai, quy định thuế, thậm chí quy định giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý.

Theo ông Thành, từ trước đến nay VN ưu đãi thuế để thu hút các NĐT và được đánh giá cao. Tuy nhiên, thời điểm này công cụ thuế chỉ là một phần giúp họ tiết giảm chi phí vì trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp FDI chịu rất nhiều chi phí khác và rất cao. “Nếu VN giúp NĐT giảm các chi phí ngoài thuế, trong đó có rủi ro về pháp lý thì sẽ giúp doanh nghiệp trong quyết định đầu tư tại VN” - ông Thành nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại VN (Eurocham), cho rằng nhóm vấn đề đầu tiên doanh nghiệp châu Âu quan tâm, vướng mắc khi đầu tư trực tiếp tại VN là thể chế, cơ sở hạ tầng.

Những vấn đề doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm là thu thuế thế nào, có minh bạch hay không, những chi phí phát sinh ngoài thuế có cao hay không… Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến visa, đáng chú ý có 80% doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn về giấy phép lao động.

Vốn FDI vào TP.HCM tăng 30,7%

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết sáu tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP.HCM đạt 2,8 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ.

Vốn FDI vào TP.HCM bật tăng cho thấy tình hình kinh tế TP khởi sắc sau khi giảm sâu trong quý I. Tuy nhiên, sang năm 2024, thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng đặt ra thách thức cho TP.HCM trong thu hút FDI thế nào? Nếu không tính đến ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề quan trọng trong thu hút FDI là tập trung cải thiện môi trường đầu tư.

Theo bà Vân, TP.HCM đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Vì vậy, một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới là đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho NĐT tại TP nhằm tạo môi trường pháp lý lành mạnh, trong sạch, để NĐT yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài.

Ưu tiên gỡ khó cho nhà đầu tư

Ông Phan Thành Trung cho biết điều mà NĐT nước ngoài mong muốn là VN cần rút gọn các bước thủ tục hành chính, hướng dẫn tận tình cụ thể và rõ ràng cho doanh nghiệp. Cần giảm thiểu các hồ sơ không cần thiết, áp dụng pháp luật thống nhất và đồng bộ giữa liên cơ quan, ban ngành.

“Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng của TP.HCM nói riêng và VN nói chung cần được cải thiện hơn nữa để thu hút các NĐT nước ngoài cũng như khiến họ yên tâm khi đầu tư vào VN” - ông Trung nói.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết vừa qua, khi TP tập trung giải quyết phát triển về hạ tầng, kinh tế - xã hội hỗ trợ NĐT, TP nhận thấy để các NĐT có sự phát triển, yên tâm đầu tư, vùng Đông Nam Bộ và VN cần cải thiện môi trường đầu tư.

Theo ông Cường, quan điểm của lãnh đạo TP thời gian tới là tiếp tục quan tâm, ưu tiên, tiếp tục chăm lo cho các NĐT đã đầu tư tại TP trong nhiều năm qua; ưu tiên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho những doanh nghiệp này.

“Song song đó, TP sẽ có các kênh thông tin chia sẻ định hướng phát triển TP, trong đó có phát triển hạ tầng. Đồng thời, TP tiếp tục có các cơ chế đối thoại không chỉ giữa chính quyền TP với NĐT mà còn quận, huyện để cụ thể tiếp tục tháo gỡ cho NĐT” - ông Cường nói.

TÚ UYÊN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Hầu hết các hồ thủy điện lớn đã đủ nước để phát điện (07/07/2023)

>   Giá điện sinh hoạt dự kiến cao nhất hơn 3.450 đồng một kWh (07/07/2023)

>   Phát triển giá trị gia tăng cho ngành hàng mì ăn liền (07/07/2023)

>   TP.HCM khai thác đường thủy để phát triển kinh tế ven sông (07/07/2023)

>   Các công ty xem xét sự phụ thuộc nguồn kim loại hiếm của Trung Quốc (07/07/2023)

>   Trình Thủ tướng 2 bước để chuyển A0 về Bộ Công Thương (06/07/2023)

>   Trình Thủ tướng 2 bước để chuyển A0 về Bộ Công Thương (06/07/2023)

>   Việt Nam đề xuất được đăng cai Hội nghị thường niên IOSCO (06/07/2023)

>   Bộ Công an: Cần thận trọng trước khi ký kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (06/07/2023)

>   Chủ tịch Hà Nội: Lúc mới nhậm chức, tôi thấy chưa ai muốn phân cấp và chẳng ai muốn ủy quyền (05/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật