TP.HCM khai thác đường thủy để phát triển kinh tế ven sông
Hàng loạt tuyến giao thông đường thủy và các sản phẩm du lịch sẽ được kết hợp trong giai đoạn 2023-2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM.
Ngày 6-7, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị về phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2025 để chính thức hoàn chỉnh trình UBND TP.HCM. Tại đây, Sở GTVT và Sở Du lịch TP đã đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới kết hợp với các tuyến đường thủy trong giai đoạn tới.
Mở ra nhiều sản phẩm du lịch mới
Sở GTVT TP.HCM cho biết để thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.HCM phát triển mạnh mẽ, trong giai đoạn 2023-2025, TP sẽ mở ra nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp với các sản phẩm du lịch.
Ông Dương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết Cần Giờ sẽ là đơn vị hưởng lợi nhiều dự án từ du lịch đường thủy. Điều cần hiện nay là cơ chế, chính sách thông thoáng để kinh tế của huyện thực sự phát triển. Sắp tới sẽ có tuyến TP.HCM - Côn Đảo, huyện kiến nghị TP cần mở ra các trạm vệ tinh để gom khách; mở thêm một số tuyến buýt đi Cần Giờ, phục vụ nhu cầu của hành khách và cả du lịch.
|
Đầu tiên là tuyến Bạch Đằng - quận 7, tuyến này sẽ kết hợp du lịch sông nước, tham quan nhiều điểm đến thú vị. Để khai thác được tuyến này, sở đề nghị sớm đầu tư cầu Rạch Đỉa (hoàn thành trước năm 2024) và kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành du lịch tổ chức đưa phương tiện thủy du lịch vào khai thác.
Đối với tuyến Thanh Đa - Bình Quới và tuyến Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi, sở này cho rằng TP cần sớm cải tạo, nâng cấp hạ tầng, khu vực neo đậu và mở ra các sản phẩm du lịch sông nước để đưa du khách tham quan các điểm đến dọc tuyến.
Tuyến TP.HCM - Côn Đảo (260 km) có thể khai thác vào năm 2024. Hiện có một doanh nghiệp đăng ký và đang đóng tàu mới để khai thác tuyến này. Tương tự, tuyến TP.HCM - Gò Công Đông (Tiền Giang) đã khảo sát tuyến, chuẩn bị đầu tư vị trí neo đậu. Song song đó, TP cũng đã phối hợp với các đơn vị khảo sát 12 vị trí neo đậu để phát triển du lịch TP, đặc biệt là huyện Cần Giờ. Vì vậy, TP cần cập nhật quy hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường và hướng khai thác trong thời gian tới.
Sản phẩm du lịch ở 12 vị trí neo đậu sẽ được kết hợp với vui chơi giải trí dưới nước, tham quan các điểm khai thác thủy sản, địa danh du lịch và ẩm thực địa phương.
Một số bất cập khiến doanh nghiệp gặp khó
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, đơn vị khai thác các sản phẩm đường thủy ở TP đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp.
Đơn cử, đại diện hãng tàu Đông Dương - đang khai thác tàu du lịch nhà hàng ở bến Nhà Rồng cho biết đơn vị có ý định mở nhiều tuyến, song tĩnh không cầu thấp nên không thực hiện được. Đến nay, khi mở dịch vụ tàu du lịch cũng đành “ngậm ngùi” vì tàu không thể đi qua được cầu Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 2.
“Chúng tôi kiến nghị cần có quy chuẩn làm tĩnh không cầu bao nhiêu để khai thác hiệu quả du lịch đường sông” - đại diện hãng tàu Đông Dương cho hay.
TP.HCM đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch kết hợp với giao thông thủy. Ảnh: ĐÀO TRANG
|
Tương tự, đại diện tàu Bến Nghé cũng cho biết sắp tới sẽ đóng tàu trên 10 m nhưng rất lo lắng bởi tĩnh không cầu thấp và khó khai thác tàu hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (tuyến buýt sông số 1), cho rằng nếu làm quy hoạch khu bến Bạch Đằng tốt sẽ mở ra nhiều cánh cửa về kinh tế, là điểm đầu mối thông thương hàng đầu ở TP. Tuy nhiên, hạ tầng là chìa khóa của nhiều vấn đề phát triển kinh tế, du lịch và nếu không có hạ tầng sẽ không thể làm gì được. Chúng tôi đang bị kẹt bởi hạ tầng, quy hoạch vẫn chậm và hàng loạt bến phải “nằm chờ”.
TP.HCM sẽ có kinh tế ven sông
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng kế hoạch phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy đã có và TP cũng có nhiều tham vọng để phát triển hệ thống đường thủy này. Khi giao thông đường thủy phát triển chắc chắn sẽ chia sẻ được với giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, đây cũng sẽ được coi là cơ chế đặc thù, là điểm đột phá để “khơi thông” hạ tầng giao thông đường thủy - lúc này du lịch đường thủy cũng được khai phá. Nếu chúng ta làm tốt, TP sẽ có kinh tế ven sông.
Du khách quốc tế tham quan du lịch đường sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HIẾU
|
“Các đơn vị nói nhiều về tĩnh không cầu, đặc biệt là hệ thống cầu kết nối Thủ Thiêm - nội đô TP và đây là điều tất yếu. Vì vậy, những ý kiến sẽ được lưu ý, tất cả sẽ ghi nhận và trình UBND TP trong thời gian tới. Tôi đề nghị các phòng, ban tiếp thu ý kiến của các đơn vị để hoàn chỉnh kế hoạch trình UBND TP.HCM và phải đưa kế hoạch được hiện thực hóa, đi vào thực tế” - ông An nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sản phẩm du lịch đường thủy gắn kết mật thiết với các vùng neo đậu và TP cũng đã tiến hành khảo sát rất nhiều tuyến với hy vọng phát triển du lịch đường thủy với các sản phẩm đa dạng.
“Sở Du lịch đồng tình với kế hoạch phát triển các tuyến, các sản phẩm du lịch đường thủy trong thời gian tới với nhiều sản phẩm tầm ngắn - trung - xa. Sở Du lịch và Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp để đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, trở thành điểm nhấn trong thời gian tới” - bà Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều thuận lợi để phát triển du lịch
Phòng Quản lý đường thủy, Sở GTVT TP cho biết hiện nay TP đang khai thác các tuyến vận tải hành khách đường thủy như Bạch Đằng - Linh Đông, Bạch Đằng - Bình Dương, Bạch Đằng - Bà Rịa-Vũng Tàu. Bên cạnh đó còn có các tuyến vận tải hành khách, du lịch theo hợp đồng, vận tải hành khách ngang sông và vận tải hành khách bằng đường biển đến khu cảng Khánh Hội, Cát Lái, Nhà Bè…
TP hiện rất thuận lợi trong việc khai thác vận tải hành khách kết hợp khách du lịch bằng đường thủy sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, Chợ Đệm - Bến Lức…
Các tàu khách quốc tế (tàu biển) với lượng khách du lịch lớn có thể vào ngay trung tâm TP tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.
Bên cạnh đó, tại TP còn có nhiều doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch có năng lực tài chính mong muốn phát triển du lịch đường thủy. Do đó rất thuận lợi trong việc đầu tư phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch bằng đường thủy.
|
ĐÀO TRANG
Pháp luật TPHCM
|