Chuyên gia VinaCapital: Định giá thị trường đang ở mức thấp nhất trong 10 năm
Tại hội thảo Triển vọng Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 tổ chức chiều 14/07, chuyên gia từ quỹ VinaCapital đã có dự báo về nền kinh tế cũng như những yếu tố cần quan tâm đối với thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian còn lại của năm 2023.
Ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư VinaCapital
|
Ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4.75% trong cả năm 2023, cao hơn mức 3.7% của 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng và khách du lịch quốc tế vẫn sẽ tăng trưởng tích cực, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng kỳ vọng cũng sẽ phục hồi vào giai đoạn cuối năm.
Nguồn: VinaCapital
|
Về TTCK, ông Minh cho biết, có 2 yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm. Một là về định giá, tức là thị trường đang đắt hay đang rẻ. Ông Minh cho biết, “mặc dù thị trường chứng khoán đã tăng một đoạn khoảng hơn 20%, từ tháng 11 năm ngoái đến giờ, mức P/E thị trường vẫn đang nằm trong vùng giá thấp nhất so với trung bình trong 10 năm qua”. Vị này giải thích rằng, khi thị trường rơi xuống định giá thấp và phục hồi, thì quá trình phục hồi sẽ kéo dài có thể nhiều năm.
“Chúng ta không nhất thiết mua ngay vào đáy thị trường, vì thực tế chẳng mấy ai mua trúng đáy hay bán trúng đỉnh được cả, xu hướng của thị trường chứng khoán là tăng trong dài hạn, nên khi mặt bằng giá cổ phiếu hợp lý thì đầu tư được”, ông Minh cho biết.
Nguồn: VinaCapital
|
Nếu so sánh mặt bằng giá cổ phiếu so với các TTCK các quốc gia trong khu vực ASEAN, thì Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 15%. Các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn ở những nơi rẻ hơn để đầu tư, nhất là khi Việt Nam đang đặt mục tiêu nâng hạng từ TTCK cận biên lên mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới.
Nguồn: VinaCapital
|
Thứ hai là về tăng trưởng, trong năm nay tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thấp. Nhưng năm 2024, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt mức trung bình trên 20%, cao hơn hẳn so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. “Đây sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho thị trường chứng khoán trong năm 2024”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cũng lưu ý về những rủi ro có thể xảy ra. Đầu tiên là khả năng về một cuộc suy thoái kinh tế thế giới, nhiều dự báo đã được đưa ra, nhưng may mắn các dự báo đều thiên về suy thoái nhẹ, tức là khả năng kinh tế hạ cánh mềm, tuy nhiên cũng cần phải lưu ý đến rủi ro này. Thứ hai, là mức độ đầu cơ trên thị trường đang khá cao. Theo thống kê 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường của VinaCapital từ các chỉ số VN30, VN-MidCap và VN-SmallCap trong 6 tháng đầu năm, cho thấy P/E trung bình 10 cổ phiếu này đang là 80 lần, tức đắt gần gấp 6 lần trung bình của thị trường.
Nguồn: VinaCapital
|
Để về mức giá hợp lý cho các cổ phiếu này, P/E khoảng 10 lần, thì lợi nhuận các doanh nghiệp phải tăng gấp 8 lần trong những năm tới. “Trên thị trường gần như không có dự báo nào về kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này do tính chất rủi ro rất cao trong hoạt động kinh doanh”, ông Minh thông tin thêm. Nếu lợi nhuận các doanh nghiệp này không tăng thì giá cổ phiếu khả năng cao sẽ giảm lại mức ban đầu.
Đánh giá về dòng tiền, ông Minh dẫn thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi cá nhân và tiền gửi doanh nghiệp trong giai đoạn lãi suất cao vừa rồi. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 700 ngàn tỷ đồng, một con số lớn, theo đánh giá của ông Minh. Lãi suất huy động trung bình hiện tại giảm khoảng 1.5% so với đầu năm, có ngân hàng còn giảm 2-3%. Khả năng một phần tiền gửi trong hệ thống ngân hàng sẽ được rút ra và đi vào các kênh đầu tư khác kỳ vọng có mức sinh lời tốt hơn, trong đó có chứng khoán. “Không kỳ vọng là 700 ngàn tỷ này sẽ được rút ra, nhưng chỉ cần một phần đổ vào TTCK đã là yếu tố tích cực cho thị trường”, ông Minh nhấn mạnh.
Nguồn: VinaCapital
|
Nhóm ngành mà VinaCapital quan tâm trong thời gian tới
Ông Minh cho biết trong 6 tháng cuối năm, VinaCapital có thay đổi chiến lược đầu tư so với 6 tháng đầu năm. VinaCapital vẫn giữ nguyên các chủ đề đầu tư như đầu tư cơ sở hạ tầng, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, xu hướng nới lỏng tiền tệ. Điểm mới là không còn chủ đề Trung Quốc mở cửa trở lại, do Trung Quốc đã mở cửa lại, đồng thời thêm mới 2 chủ đề sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và phục hồi của xuất khẩu.
Nguồn: VinaCapital
|
Ông Minh chia sẻ thêm, việc thêm vào 2 chủ điểm đầu tư là do kỳ vọng về sự hồi phục nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Qua việc theo dõi chỉ số hàng tồn kho ở Mỹ, ông Minh cho thấy trong giai đoạn cuối năm ngoái và đầu năm nay, chỉ số tồn kho của Mỹ ở mức rất cao, nhưng những tháng gần đây đã giảm xuống. Do đó, có thể suy ra, các khách hàng ở Mỹ hay châu Âu sẽ tăng lượng đặt hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam, có triển vọng hồi phục vào cuối năm nay, người lao động ở các doanh nghiệp này cũng có thu nhập tốt hơn, nhu cầu được cải thiện.
Kha Nguyễn
FILI
|