Cảng Trung chuyển Cần Giờ có thể đóng tới 40.000 tỷ đồng cho ngân sách
Khi đầu tư hoàn chỉnh tại cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, mỗi năm Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ góp ngân sách 34.000-40.000 tỷ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.
(Ảnh minh họa. CTV/Vietnam+)
|
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2024-2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Nội dung vừa được Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Đề án Nghiên cứu Xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ.
Vị trí xây dựng cảng là khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km; tổng diện tích ước tính khoảng 571ha. Cảng sẽ tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 250.000 DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000-65.000 tấn và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn.
Kế hoạch đầu tư cảng được chia thành 7 giai đoạn; trong đó mỗi giai đoạn đầu tư 2 bến chính và các bến sà lan. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1, 2 trước năm 2030 và các giai đoạn còn lại sẽ tiếp tục đầu tư đến năm 20245.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đưa vào khai thác cảng (giai đoạn 1, 2) trước năm 2030; trong đó năm 2023-2024 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư; xây dựng cảng từ năm 2024-2026 và khai thác cảng từ năm 2027.
Để đáp ứng yêu cầu khai thác cảng, hạ tầng giao thông kết nối cũng được thành phố xác định đầu tư từ nay đến năm 2030 như xây dựng cầu Cần Giờ, kết nối Nhà Bè với Cần Giờ; xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác; đầu tư đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao Rừng Sác với Cao tốc Bến Lức-Long Thành tại xã Bình Khánh; đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.
Nguồn vốn đầu tư cảng, các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (chủ đầu tư). Trong khi đó, hạ tầng giao tông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn khác.
Việc nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 là 16,9 triệu Teu.
Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan... Khi đầu tư hoàn chỉnh, mỗi năm Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ góp ngân sách 34.000-40.000 tỷ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vị trí dự kiến Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép-Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Dự báo sơ bộ về lượng hàng hóa dự kiến thông qua khu bến Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ đến năm 2030 là 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 là 16,7 triệu Teu.
Thời gian qua, hãng tàu MSC (một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư./.
Tiến Lực
Vietnamplus
|