10 năm lên đỉnh của giá gạo xuất khẩu
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4.24 triệu tấn, trị giá 2.25 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, giá gạo xuất khẩu ước đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 - mức cao nhất 10 năm qua. Riêng tháng 6, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 650 USD/tấn, tăng 20.8%.
Nguyên nhân giá gạo tăng là do nguồn cung gạo trên thế giới sụt giảm so với cùng kỳ 2022. El Nino xuất hiện buộc nhiều quốc gia tăng mua để dự trữ. Bên cạnh đó, Ấn Độ lại cấm xuất khẩu khiến nguồn cung mặt hàng này trên toàn cầu chao đảo. Cụ thể, chỉ sau ít ngày khi Ấn Độ thông báo quyết định cấm xuất khẩu tất cả loại gạo tẻ thường (hôm 20/07), giá gạo bắt đầu nhảy vọt và có xu hướng tăng mạnh.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thừa nhận, giá gạo gần đây biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, trả giá cao hơn 10 - 20 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này. Nếu Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo, giá lúa và giá gạo sẽ tăng tiếp tục, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 có khả năng đạt từ 6.3 - 6.5 triệu tấn, thậm chí nhiều hơn.
Hiện, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Thế Mạnh
FILI
|