Thứ Hai, 26/06/2023 13:32

Thành phố vườn – giải pháp cho các đô thị Việt Nam

Ngày 13-6-2023, khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu ra ý tưởng định hướng với khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội theo mô hình đô thị nén, trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng. Đây là một ý tưởng thực tế và là giải pháp cho bài toán đô thị ở Việt Nam. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tế ở Việt Nam cho thấy điều này.

Những hình ảnh trái ngược

Quận 4 ở TPHCM là quận có diện tích nhỏ nhất cả nước với 4,18 ki lô mét vuông. Với dân số vào cuối năm 2021 gần 176.000 người, mật độ dân số bình quân hơn 42.000 người/ki lô mét vuông, cao nhất cả nước. Theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mật độ nhà ở là 10.894 căn/ki lô mét vuông.

Như được thể hiện trong hình 1, về cơ bản, toàn bộ diện tích đất được dành cho nhà ở, diện tích đất dành cho giao thông là rất khiêm tốn (ước tính chưa đến 10%), và đất dành cho các tiện ích công cộng khác, đặc biệt là công viên và không gian xanh gần như bằng không.

Cư dân sống trong các hình thái đô thị và nhà ở như vậy về cơ bản không có không gian sinh hoạt chung ngoài trời. Sự tương tác xã hội và hoạt động thể dục rất hạn chế. Xe máy là phương tiện phù hợp nhất; trong khi rất khó để phát triển giao thông công cộng và không thể đi bộ. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất của mỗi người. Hơn thế, cấu trúc nhà ống nhiều tầng cũng tạo ra sự chia cắt ngay trong từng gia đình.

Nguồn: Tác giả chụp từ Google Earth ngày 17-6-2023

Nguồn: Tác giả chụp từ Google Earth ngày 17-6-2023

Hình 2 thể hiện khu đô thị Vinhomes Central Park và vùng lân cận ở Bình Thạnh. Theo số liệu được công bố chính thức trên trang web của đơn vị phát triển, khu đô thị này có diện tích 43,91 héc ta với mật độ xây dựng 16% và khu công viên có diện tích 13,8 héc ta.

Cấu trúc chính của khu đô thị này là 16 tòa nhà cao ốc cao gần 50 tầng và một tòa nhà cao 81 tầng. Tổng số căn hộ dùng để ở vào khoảng 10.000 và gần 100 căn biệt thự. Thêm vào đó là diện tích dành cho văn phòng, khu cửa hàng kinh doanh và các tiện ích khác như bệnh viện, trường học, khu mua sắm… Về cơ bản, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ đô thị cần thiết trong vòng 15 phút đi bộ.

Ước tính một cách thận trọng với ba người sống trong một căn hộ (bình quân toàn thành phố là 3,5 người/hộ gia đình và ở quận 4 nêu trên bình quân mỗi căn nhà có 3,86 người) thì mật độ dân số ở khu đô thị này là trên 60.000 người/ki lô mét vuông hay gấp 1,5 lần quận 4. Tuy nhiên, không gian dùng chung để cư dân có thể tương tác với nhau rất nhiều. Hơn thế, các không gian xanh có thể thấy ở khắp mọi nơi trong khu đô thị này. Khu công viên có thể biến thành rừng và rất nhiều nơi khác thích hợp cho cây cao. Cư dân ở đây có điều kiện để có cuộc sống lành mạnh và chất lượng cao hơn rất nhiều so với các khu vực phát triển truyền thống.

Bên kia đường Nguyễn Hữu Cảnh – nơi khu đô thị Vinhomes Central Park tọa lạc, cũng như quận 4 và gần như khắp nơi ở các đô thị Việt Nam, là sự ken đặc của nhà ống. Nếu có thể tái phát triển như khu Vinhomes này thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ rất khác.

Các dự án có quy mô nhỏ hơn như Estella Heights ở quận 2, TPHCM trong diện tích gần 4,8 héc ta với bốn cao ốc 33-34 tầng và gần 900 căn hộ. Ước tính mật độ dân số là gần 55.000 người/ki lô mét vuông, cao hơn 30% so với quận 4, trong khi mật độ xây dựng chưa đến 30%. Không gian xanh dự án này cũng rất nhiều.

Phong trào thành phố vườn

Phong trào thành phố vườn (Garden city) bắt đầu sau khi Ebenezer Howard – nhà quy hoạch đô thị người Anh xuất bản tác phẩm “Đến ngày mai: Một con đường hòa bình cho cải cách thực” vào năm 1898 và sau đó được đổi thành “Các thành phố vườn của ngày mai”. Mục đích chính của phong trào này là mang màu xanh vào các đô thị trong bối cảnh nhà ở đang là vấn đề nghiêm trọng khi các thành phố như London, New York, và Paris cực kỳ đông đúc.

Tiếp cận thành phố vườn bằng cách tái phát triển các khu đô thị hiện hữu và phát triển các khu đô thị mới theo hướng cao tầng gắn với giao thông công cộng và dành nhiều không gian cho cây xanh là giải pháp khả thi cho các đô thị có quy mô lớn của Việt Nam.

Ý tưởng đầu tiên của Howard là xây dựng các đô thị có diện tích 36 héc ta cho khoảng 32.000 người và đảm bảo tự túc (mỗi người được 1.125 mét vuông đất). Đô thị này theo mô hình đồng tâm được tạo bởi hệ thống sáu đại lộ xuyên tâm có chiều rộng 37 mét, không gian mở, công viên, cây xanh. Howard hình dung các đô thị này là các vệ tinh của một thành phố trung tâm với 58.000 người.

Letchworth (cách London hơn 50 ki lô mét với diện tích 20 ki lô mét vuông và dân số hơn 33.000 người); và Welwyn (cách London hơn 30 ki lô mét với diện tích hơn 17 ki lô mét vuông và dân số hơn 48.000 người) là những thành phố vườn được phát triển đầu tiên ở Anh. Sau đó, các ý tưởng về thành phố vườn đã được đưa vào luật quy hoạch đô thị ở Anh từ thập niên 1940. Kể từ đó, thành phố vườn đã trở thành một trong những tiếp cận quy hoạch và phát triển đô thị quan trọng trên thế giới. Mô hình này đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Peru, Bazil, Argentia, Úc, New Zealand, Bhutan, Israel, Nam Phi, Ý, Bỉ, và Singapore là một tình huống điển hình nhất.

Thực tiễn ở Singapore

Theo thông tin từ Tàng thư Lịch sử Singapore (HistorySG), tầm nhìn “thành phố vườn” được Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra vào ngày 11-5-1967 nhằm biến Singapore thành một thành phố với nhiều cây xanh và môi trường trong lành nhằm mang lại cuộc sống dễ chịu hơn cho người dân. Người ta cũng dự tính rằng sự hiện diện của nhiều cây xanh trong một môi trường không rác thải sẽ biểu thị rằng Singapore là một thành phố được tổ chức tốt và do đó là một điểm đến tốt cho khách du lịch và đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn đầu, tầm nhìn “thành phố vườn” được thực hiện dưới hình thức một chương trình trồng cây do bộ phận Công viên và Cây xanh tổ chức để tái tạo những đại lộ rợp bóng cây mà ông Lý đã đi qua trong các chuyến công du nước ngoài. Chương trình này đã thành công rực rỡ: hơn 55.000 cây mới đã được trồng vào cuối năm 1970. Để duy trì đà phát triển, Ngày Trồng cây được tổ chức lại vào năm 1971 như một sự kiện thường niên.

Thêm vào đó, đạo luật Công viên và Cây xanh được ban hành vào năm 1975 yêu cầu các nhà phát triển đô thị dành đất cho giao thông, các tiện ích công cộng và cây xanh. Đây là một chính sách có tính nền tảng cho việc tổ chức và phát triển đô thị của Singapore.

Những sáng kiến phủ xanh có tác động đáng kể đến tốc độ trồng cây: số lượng cây mới được trồng tăng từ khoảng 158.600 cây năm 1974 lên 1,4 triệu cây vào tháng 6-2014. Vào giữa những năm 1970, việc tạo ra các công viên đã trở thành một trọng tâm bổ sung của tầm nhìn “thành phố vườn”.

Chương trình do cơ quan Công viên và Giải trí điều phối, được thành lập vào năm 1976 để thay thế bộ phận Công viên và Cây xanh, có ảnh hưởng sâu sắc đến cảnh quan của Singapore: diện tích công viên và không gian xanh tăng từ 879 héc ta năm 1975 lên 9.707 héc ta vào tháng 3-2014 và số lượng công viên tăng từ 13 lên 330 trong cùng thời kỳ.

Từ những năm 1990, cơ quan Công viên và Giải trí đã thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau, như tái lập thành Ủy ban Công viên quốc gia vào tháng 7-1996, để làm phong phú thêm trải nghiệm thành phố vườn do việc trồng cây mang lại và các chương trình phát triển công viên trong những thập kỷ trước.

Hơn nữa, các chiến dịch như Tuần lễ Xanh và Sạch và các chương trình hợp tác cộng đồng như Cộng đồng Nở rộ đã được giới thiệu để truyền bá “ý thức xanh” cho người dân Singapore. Hiện tại, chính sách phủ xanh của Singapore được hướng dẫn bởi tầm nhìn “thành phố trong vườn”. Được công bố vào năm 1998 như là giai đoạn tiếp theo của tầm nhìn “thành phố vườn”, khái niệm mới nhằm tích hợp cây xanh vào không chỉ môi trường xây dựng mà còn vào cuộc sống hàng ngày của người dân Singapore.

Trong tổng diện tích 734,3 ki lô mét vuông thì diện tích đất phát triển đô thị của Singapore (số liệu của Ngân hàng Thế giới đến năm 2015) chỉ là 454 ki lô mét vuông. Trong đó, đất của công viên đã chiếm hơn 20% đất đô thị. Theo kế hoạch được công bố, đất ở đô thị của Singapore vào năm 2030 là 13.000 héc ta và với dân số dự kiến từ 6,5-6,9 triệu người thì diện tích đất ở bình quân của nước này chỉ là 20 mét vuông/người, trong khi đất bình quân cho công viên là 11 mét vuông/người. Điều này có thể xảy ra là do đa phần người dân sống trong các căn hộ cao tầng và sử dụng giao thông công cộng.

Với dân số gần 5,5 triệu người, Singapore đã có thể xây dựng một thành phố vườn thời hiện đại có quy mô gấp gần 100 lần thành phố trung tâm của Howard. Bình quân mỗi người chỉ có hơn 133 mét vuông, bằng 12% so với mục tiêu của Howard đưa ra, nhưng mọi thứ rất tốt.

Không chỉ Singapore, phát triển đô thị nén theo định hướng giao thông công cộng với nhà cao tầng và dành nhiều đất cho giao thông, các tiện ích dùng chung và cây xanh là công thức thành công của các đô thị quy mô lớn ở châu Á như Tokyo, Seoul, Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh.

Bài toán cho các đô thị Việt Nam

Hai hình ảnh trái ngược giữa khu vực phát triển truyền thống và hiện hữu của các đô thị Việt Nam với các khu vực mới do các doanh nghiệp bất động sản xây dựng và các đô thị ở các nước phát triển. Một bên là nhà ống ken đặc, không đủ đất cho giao thông và gần như không có đất cho cây xanh và các tiện ích công cộng; một bên là đô thị được tổ chức một cách khoa học với nhiều không gian xanh và tiện ích dùng chung.

Hình thái đô thị hiện đại nêu trên làm cho chất lượng cuộc sống cao hơn hẳn. Đây là điều mà các đô thị Việt Nam, nhất là Hà Nội và TPHCM nên hướng đến. Diện tích đất ở đô thị bình quân đầu người của TPHCM theo thống kế năm 2021 là 28,25 mét vuông/người và Hà Nội là 27,27 mét vuông/người và gần như toàn bộ diện tích đất này đều được xây dựng. Nếu có thể giảm diện tích đất cho nhà ở bằng với Singapore và phần còn lại cho không gian xanh thì hai đô thị lớn nhất Việt Nam sẽ từ 7-8 mét vuông/người.

Hơn thế, nếu có thể tái phát triển quận 4 như khu Vinhomes nói trên thì khu vực này có thể đủ chỗ ở cho số người gấp 1,5 lần dân số hiện tại của quận này. Đặc biệt khi đó có thể dành toàn bộ đất dọc bờ sông Sài Gòn và các kênh rạch để làm công viên, và lá phối xanh cho thành phố.

Tóm lại, tiếp cận thành phố vườn bằng cách tái phát triển các khu đô thị hiện hữu và phát triển các khu đô thị mới theo hướng cao tầng gắn với giao thông công cộng và dành nhiều không gian cho cây xanh là giải pháp khả thi cho các đô thị có quy mô lớn của Việt Nam. Để làm được điều này, cần các giải pháp và chính sách về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng cùng các chính sách về thuế khóa và trợ cấp một cách hợp lý. Trong đó, các chính sách khuyến khích người dân tự góp đất để xây dựng các khu cao tầng và không khuyến khích nhà ở riêng lẻ cùng với việc phát triển bằng được hệ thống giao thông công cộng công suất lớn là then chốt.

Huỳnh Thế Du

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Khởi công dự án Vành đai 4 – vùng thủ đô (25/06/2023)

>   Bài toán chi phí và Luật Đất đai (25/06/2023)

>   Không phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, địa phương được quyết định phân lô bán nền (25/06/2023)

>   Sự bành trướng quy mô quá nhanh khiến bất động sản ‘rã đông’ chậm chạp (25/06/2023)

>   Ưu tiên nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (25/06/2023)

>   Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu được kỳ vọng là động lực đưa Đồng Tháp và ĐBSCL ‘bứt phá’ (25/06/2023)

>   Đã bố trí 1.200 tỉ đồng đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên (25/06/2023)

>   Chuyên gia hiến kế ‘phá băng’ bất động sản, dân kiện văn phòng đăng ký đất đai (25/06/2023)

>   TP.HCM khó bồi thường khi thu hồi nhà nhiều hộ, nhiều tầng (25/06/2023)

>   Liệu Việt Nam có tránh được vết xe đổ của Trung Quốc? (24/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật