Lãnh đạo TV2 chia sẻ về giải pháp "cứu điện miền Bắc"
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2, HOSE: TV2), Ông Đinh Quang Tri - Thành viên HĐQT độc lập đã có những chia sẻ về 2 dự định của Doanh nghiệp trong thời gian tới, liên quan đến xuất khẩu điện tái tạo và hydrogen.
Ông Tri cho biết, TV2 hiện đang làm việc cùng các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu điện ra các nước khối ASEAN, chủ yếu tập trung vào Singapore và Malaysia.
Ông Đinh Quang Tri (thứ 2 bên phải sang) tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TV2
|
"Hiện nay các tập đoàn lớn trên thế giới đang quan tâm đến điện tái tạo, và chúng tôi đóng vai trò là nhà tư vấn cho họ phát triển dự án, từ nguồn cho tới truyền tải, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực này", trích lời ông Tri.
"Về việc xuất khẩu điện gió, điện mặt trời ra ASEAN sẽ tập trung chủ yếu vào Singapore và Malaysia. Hiện tại đã lập ra khung chung để nghiên cứu dự án này. Trong đó, các nước này có chính sách giảm khí phát thải, nhưng họ không có điện gió. Như Malaysia chỉ có điện mặt trời và điện khí chứ không có điện gió, vì họ không có gió, tốc độ rất thấp. Bởi vậy, họ rất muốn mua điện từ Việt Nam".
Ông Tri tiết lộ, TV2 đã làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài từ trước khi QHĐ8 được phê duyệt để đưa ra giải pháp này. Khi QHĐ8 được thông qua, càng có thêm cơ sở pháp lý.
"Nhu cầu của họ có thể lên tới hàng chục Gigawatt (GW), và đó là những dự án khổng lồ. Chúng tôi đã chứng minh cho họ rằng Việt Nam là trung tâm năng lượng tái tạo của toàn khối ASEAN", ông Tri tiếp lời.
Tiềm năng xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Trung Quốc, giải pháp "cứu điện miền Bắc"
Đó là điều được ông Tri khẳng định tại đại hội. Ông cho biết, đối tác Trung Quốc đang thảo luận với TV2 để tư vấn, giúp xuất khẩu điện tái tạo dư thừa từ miền Trung và miền Nam.
"Nghe thì vô lý, nhưng lúc tôi ngồi làm việc với họ là thấy có nhu cầu đó. Trước đây họ đã thỏa thuận bán cho EVN khoảng 3,000 MW, nhưng giờ chắc không thể bán được vì đến bên họ còn thiếu điện. Trung Quốc đến 70% dùng năng lượng than, mà xu hướng giảm khí phát thải khiến họ cũng phải hướng đến năng lượng tái tạo".
"Tại Việt Nam, miền Nam và miền Trung rất nhiều năng lượng tái tạo, và đối tác Trung Quốc đang thảo luận với chúng tôi về việc tư vấn để giúp họ nhập khẩu điện từ Việt Nam. Điều này chúng tôi đang nghiên cứu".
"Họ đã làm dự án đường truyền tải 800kV hơn 1,000 km điện 1 chiều, khoảng 8,000 MW. Và họ đang làm việc với chúng tôi về khả năng truyền tải từ miền Trung, nhưng dựa trên nguyên tắc nếu truyền được thì ít nhất phải để lại miền Bắc 50% để giúp Việt Nam có điện, còn lại chuyển về Trung Quốc".
"Nếu làm được phương án này, chúng ta có thể cứu điện miền Bắc, vừa tranh thủ được công nghệ của họ với giá thành rẻ", ông chia sẻ thêm.
Ông Tri cũng cho rằng nếu khai thác được câu chuyện này thì theo tính toán, Việt Nam đủ điện đến 2050 vẫn sẽ thừa khoảng 200 MW điện gió, qua đó tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách.
Bên cạnh đó, ông Tri chia sẻ thêm về vấn đề xuất khẩu hydogen.
"Đây là chiến lược các nước trên thế giới muốn tham gia vào “net zero” 2050 đều phải tham gia, và đều đã có chiến lược. Tại Việt Nam, chúng ta may mắn có nhiều năng lượng tái tạo, thì sản xuất hydrogen là cơ hội để xuất khẩu ra thế giới, để trung hòa carbon các nhà máy nhiệt điện, thép, phân đạm".
"Nếu Việt Nam làm tốt, các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều, hydrogen xuất khấu cho các nước và biến mình thành trung tâm sản xuất hydrogen cho thế giới. Đây là lợi thế và cơ hội, và TV2 đang nghiên cứu điều này".
Châu An
FILI
|