Doanh nghiệp da giày lao đao, xuất khẩu giảm 70%
Theo Hội da giày TP.HCM, có 50% doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động tạm ngưng hoạt động chờ có đơn hàng, 50% đơn vị còn lại sản xuất cầm chừng.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tiếp tục khó khăn do sự sụt giảm đơn hàng nên kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ, EU... bị sụt giảm nhiều nhất.
Theo Bộ Công Thương, giá hàng hoá xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu (136,17 tỉ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước).
DN ngành da giày lao đao, đơn hàng xuất khẩu giảm 60-70%. Ảnh: TÚ UYÊN
|
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội da giày TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn khá ổn. Ngành da giày chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ nhưng do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine nên từ cuối năm 2022 đến nay, DN ngành da giày lao đao, đơn hàng xuất khẩu giảm 60-70%. Cùng với đó, thị trường nội địa cũng gặp khó khăn.
Theo ông Khánh, thời điểm này, các DN sẽ sản xuất đơn hàng cho mùa đông nhưng năm nay vô cùng khó khăn.
"Do đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều DN phải giảm lao động. Hội da giày TP.HCM có khoảng 100 DN hội viên, hiện nay còn khoảng 50% DN hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động. 50% DN đã thỏa thuận với người lao động tạm ngưng hoạt động để chờ có đơn hàng" - Ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, DN đang tìm cách làm sao để có đơn hàng. Các DN đã chuyển hướng tìm những thị trường mới như Châu Phi.
Bộ Công Thương đánh giá, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ La tinh, Đông Âu,…
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|