Tiến sĩ Hà Đăng Sơn: "EVN đã làm hết sức, tư nhân vào sẽ còn gặp khó hơn"
Tại buổi tọa đàm "Giải quyết bài toán thiếu điện: Cách nào?" diễn ra vào chiều ngày 09/06, TS. Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh đã có những chia sẻ về bức tranh thiếu điện tại miền Bắc trong thời gian qua, cũng như cái mà EVN cần có để giải quyết câu chuyện này.
Cụ thể, vị chuyên gia cho biết bức tranh ngành điện hiện tại còn nhiều khó khăn với những con số cụ thể. "Bức tranh thực sự khó, vì ngành điện có gì dùng được thì đã dùng hết rồi", trích lời ông Sơn.
TS. Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh
|
Đối với nhiều ý kiến cho rằng cứ xã hội hoá ngành điện, để tư nhân vào thì thị trường sẽ tốt hơn, Tiến sĩ cũng có những chia sẻ như sau: "Thực ra hãy nhìn ngoài chợ, cái gì sạch thì không thể rẻ, cái gì rẻ mà bảo sạch thì nó có vấn đề. Đó là kinh tế thị trường. Khi hàng hoá không đủ, giá phải cao. Khi phải kìm giữ giá, nghĩa là thị trường phải giảm cung ứng đi".
Theo vị chuyên gia, trong tình hình điện đang ít, không thể nói tư nhân vào là cứu được ngành điện, là đảm bảo được. "Thực tế, tư nhân cũng phải giải quyết nhiều thủ tục – vốn là câu chuyện không đơn giản. EVN có thể có lợi thế xử lý thủ tục, nhưng lại vướng “vòng kim cô” như chi phí buộc phải tính toán, thậm chí không phản ánh được thị trường".
"Nhìn vào các dự án điện tái tạo, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng bỏ tiền rất nhanh để đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thành dự án nhanh nhất có thể. Điều này EVN sẽ không làm được".
"Nhưng đổi lại nếu để khối tư nhân xây đường truyền tải, tôi cam đoan tư nhân sẽ khó hơn EVN. Vì đền bù giải phóng trong câu chuyện này sẽ cực kỳ phức tạp. Thông thường, xây đường truyền hiếm khi phạm vi chỉ trong 1 tỉnh mà là vài tỉnh, và thường sẽ thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tư nhân sẽ can thiệp thế nào khi phải xin giấy phép?".
"Tôi xin nói luôn, có tiền có khi cũng không làm gì được", ông Sơn nhận định.
Ông cho biết theo đúng luật đất đai, hiện tại đã mở cửa cho nhà đầu tư và chủ sử dụng đất tự đàm phán giải toả. Nhưng với khối tư nhân, giá bao giờ đủ thì đồng ý, không đủ thì thôi. Đặc biệt là các dự án khi gần về đích rồi vẫn mắc thì không có cách nào để giải toả.
"Nhìn ngay ở Hà Nội, có những con đường giải phóng mặt bằng xong vẫn tồn tại một căn nhà án ngữ, làm xấu cả con đường, nhưng cũng chẳng thể làm gì câu chuyện này".
EVN đã nỗ lực tối đa
Trở lại câu chuyện thiếu điện và đảm bảo an ninh năng lượng ở miền Bắc, Tiến sĩ cho rằng EVN đã nỗ lực tối đa, đã làm tất cả mọi thứ, đặc biệt khi đang gồng gánh khoản lỗ tới hơn 20 ngàn tỷ đồng như đã công bố.
Vậy trong tình cảnh này, EVN cần gì? Theo ông Sơn, đây là câu hỏi dành cho Chính phủ, liên quan đến 2 vấn đề: Thiếu điện và EVN thiếu tiền. Ông đề xuất liệu Chính phủ có thể cấp tạm cho EVN tiền không như một gói ứng cứu khẩn cấp, nhằm EVN có tiền để đảm bảo cung ứng nhiên liệu cho nhiệt điện.
"Tôi không rõ tình hình tài chính của EVN những tháng qua, nhưng liệu có thể cấp tiền để EVN huy động và mua nhiên liệu hay không?".
"Như có thể thấy, giá bán lẻ của EVN vẫn tương đối thấp. Lúc này lại có thách thức, để EVN giữ giá bán lẻ thấp thì phải có cân đối, và sẽ phải có rủi ro như mua nhiên liệu với giá đắt để trữ mà đột nhiên thuỷ văn thuận lợi, dẫn đến lãng phí, thất thoát ngân sách. Vậy EVN có dám mua không?".
"Có người hỏi tôi cắt điện này còn lâu không? Nói thật là tôi không biết, nếu thuỷ điện về thì ai cũng cười. Nhưng nếu hạn hán, lại phải quay lại câu chuyện năng lực tài chính của EVN là như thế nào, và tôi cho rằng đây là tình huống khẩn cấp cần sự can thiệp của Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội".
Hồng Đức
FILI
|