Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành dự kiến được đầu tư 26.000 tỉ đồng theo hình thức PPP Cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành có điểm đầu tại quốc lộ 14, tỉnh Đắk Nông và điểm cuối tuyến giao với đoạn cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, có chiều dài gần 130 km. Dự kiến, cao tốc sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Đoạn cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi qua địa phận tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Tây đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Ảnh: TTXVN |
TTXVN dẫn báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây (CT.02) đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) do nhà đầu tư đề xuất đang được tỉnh Bình Phước đang thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 6 này.
Trước đó, vào tháng 7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỉnh Bình Phước đã chấp thuận Liên danh Vingroup-Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án và đưa ra phương án đầu tư dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành theo hình thức đối tác công-tư (PPP) .
Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 129 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Phước (101 km) và tỉnh Đắk Nông (28 km), quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75m, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt gồm 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m.
Về hướng tuyến, điểm đầu tuyến từ Km 1915 của quốc lộ 14, tại đây tuyến đi về hướng bên trái quốc lộ 14 thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Điểm cuối tuyến từ điểm giao với cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, xây dựng đoạn tuyến mở mới dài khoảng 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vào gần 26.000 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 16.600 tỉ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng hơn 4.600 tỉ đồng.
UBND tỉnh Bình Phước dự kiến, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án khoảng gần 10.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 6.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương khoảng 4.000 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động 16.000 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 21 năm 4 tháng.
Đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TPHCM, đồng thời tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây
Đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây (ký hiệu CT.02) có điểm đầu tại tỉnh Phú Thọ, điểm cuối tịa tỉnh Kiên Giang.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.300 km, được phân thành 16 đoạn tuyến, đi qua địa phận 23 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang.
Phần lớn trục đường được xây dựng theo đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 3) và nâng cấp lên thành cao tốc.
Nguồn: Phụ lục N ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT
|
N.Tân TBKTSG
|