Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, phát tín hiệu ngừng nâng lãi suất
Sáng ngày 04/05 (giờ Việt Nam), Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ 10 trong hơn 1 năm qua, đồng thời phát đi tín hiệu chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện có thể đã đến hồi kết.
Tất cả thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đều nhất trí nâng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản lên 5%-5.25%. Đây là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho hoạt động cho vay qua đêm, nhưng cũng sẽ tác động tới các sản phẩm cho vay khác như cho vay thế chấp, cho vay mua xe hơi và thẻ tín dụng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Tuy nhiên, quyết định nâng lãi suất đã được dự báo từ trước và thị trường quan tâm nhiều hơn tới việc Fed sẽ hành động ra sao sau cuộc họp lần này, nhất là khi kinh tế giảm tốc và cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây làm chao đảo Phố Wall.
Tuyên bố sau cuộc họp cũng phát đi một số tín hiệu về các quyết định chính sách trong tương lai. Trong tuyên bố, Fed đã bỏ đi dòng chữ nói rằng "ủy ban kỳ vọng một số sự thắt chặt chính sách bổ sung có thể hợp lý" để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Thay vào đó, Fed nhấn mạnh các điều kiện để "triển khai thắt chặt chính sách bổ sung". Cụ thể, họ "sẽ tính tới tác động tích lũy từ các động thái thắt chặt tiền tệ, độ trễ của chính sách tiền tệ và diễn biến kinh tế, tài chính Mỹ" để ra quyết định thắt chặt thêm hay không.
Trong cuộc họp báo sau khi đưa ra quyết định chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng đây là "sự thay đổi lớn", cho thấy rằng "Fed không còn kỳ vọng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mà phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới".
Nhìn chung, tuyên bố của Fed phát đi tín hiệu rằng chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn sẽ được duy trì, nhưng lộ trình lãi suất trong thời gian tới vẫn còn chưa rõ ràng vì còn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và các điều kiện tài chính sắp tới.
Quyết định của Fed được đưa ra khi kinh tế Mỹ giảm tốc và đối mặt với tác động từ cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Nhiều nhà làm luật thuộc Đảng Dân chủ đã thúc giục Fed ngừng nâng lãi suất vì lo sợ khả năng suy thoái và suy giảm việc làm.
Tuy vậy, đến nay thị trường lao động vẫn còn rất mạnh. Cùng với đó, lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Nhiều quan chức cho biết lãi suất có lẽ vẫn duy trì ở mức cao ngay cả khi Fed ngừng nâng lãi suất.
Bên cạnh lạm phát, Fed còn phải đối phó với những rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng, với 3 vụ sụp đổ ngân hàng trong hơn 1 tháng qua.
Hiện các quan chức Fed cho rằng ngành ngân hàng vẫn ổn định, nhưng các điều kiện tín dụng có thể bị siết chặt và quy định có thể nghiêm ngặt hơn trong thời gian tới. Điều này có thể kìm hãm thêm tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Quý 1/2023, GDP Mỹ chỉ tăng 1.1%.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed cho biết "việc các điều kiện tín dụng bị thắt chặt với các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể gây áp lực lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát". Quan điểm này tương tự với tuyên bố hồi tháng 3/2023, ngay sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ.
Vẫn tập trung vào mục tiêu lạm phát
Fed cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ "khá khiêm tốn", trong khi "tăng trưởng việc làm vẫn mạnh" và lạm phát "vẫn cao".
NHTW Mỹ vẫn tập trung vào mục tiêu chống lạm phát, mặc dù lãi suất cao hơn đã góp phần gây ra rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng.
Các điểm dữ liệu gần đây cho thấy áp lực giá cả đã thuyên giảm, nhưng vẫn còn một số yếu tố như chi phí nhà ở và chăm sóc y tế ở mức cao.
Trước đó, thị trường kỳ vọng việc kinh tế giảm tốc và khả năng suy thoái sẽ buộc Fed giảm lãi suất trong năm nay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|