Thứ Bảy, 13/05/2023 08:00

Đường Bạn

Làng tôi có một cánh đồng lớn so với trong vùng, rộng khắp tới Bàu Ao, Bàu Miệu, hai Dãy Hầm, có khe suối thông lên núi và con hói chảy xuôi về Sòng, đổ ra sông Hiếu. Cánh đồng làng tiếp giáp với đồi Đùng, rồi Khe Đất, Khe Đá. Vào mùa lũ, nước từ thượng nguồn, theo các khe suối đổ về cánh đồng, bị con đường sắt Bắc-Nam đắp cao ngăn lại nên làng mạc có khi ngập lụt lênh láng. May thay, ngăn giữa làng và cánh đồng có Đường Bạn ngăn sóng dữ và rác rều trong mùa lũ. Đường Bạn được đắp đất cao, dài hơn một cây số, từ Cồn Đình đến Bàu Ao, trên đó trồng hai hàng cây mưng tươi tốt, sum suê. Theo năm tháng, cây đã mọc thành rừng, ưỡn ngực ra chống đỡ phong ba bão táp cho dân làng. Phía ngoài Đường Bạn là dãy ao men theo con đường, quanh năm đầy nước, chỉ cạn vào ngày cao điểm của mùa hè. Đường Bạn gắn bó thân thiết với dân làng và tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm thời chăn trâu cắt cỏ, những buổi trưa hè nắng đổ và cả những ngày đông gió bấc mưa phùn.

Các cụ già lớn tuổi nói rằng, Đường Bạn có từ rất lâu đời, từ thuở mới lập làng. Đó là con đường cây linh thiêng, ít ai dám chặt phá. Khi tôi lớn lên thì Đường Bạn đã um tùm cây cối; ngoài cây mưng là chủ yếu thì còn vô số cây khác: mây, trơng, sim, muồng, hóp, bời lời… đan xen chằng chịt, là cả một thế giới bí ẩn đối với một đứa trẻ hơn mười tuổi như tôi.

Cây mưng bên ao nước làng quê.

Đường Bạn có nhiều cây mưng (lộc vừng) cao hàng chục mét, thân cây to, da xù xì. Cành cây mưng là nơi lý tưởng cho chim cu, sáo, chào mào, chàng làng… làm tổ. Tổ chim cu làm thưa thớt, phải tinh mắt mới nhận biết ra. Riêng con sáo làm tổ trong các bộng cây, cứ theo dõi chim mẹ ngày này qua ngày khác rồi cũng tìm ra tổ. Mùa hè, những đưa trẻ chăn trâu chúng tôi thường ở Đường Bạn nhiều hơn: bắt chim non để nuôi; tìm hái sim, móc, muồng để ăn; chơi trốn tìm; đắp bờ tát cá; đánh trận giả. Mùa hè, cây mưng trổ hoa, từng chùm hoa màu đỏ, theo cuống hoa thỏng dài buông xuống soi trên mặt nước, rồi hoa rụng từng đám trôi bồng bềnh trên mặt nước như hội hoa đăng, đẹp không thể tả. Lũ con gái chăn trâu kết những chùm hoa mưng để đội lên đầu hay quàng cổ với vẻ thích thú ra mặt. Vào mùa rét, với chiếc áo mỏng phong phanh, chiếc áo mưa rách nát của những đứa trẻ nghèo thì Đường Bạn giúp cản bớt cơn gió bấc giá lạnh, che bớt cơn mưa dầm tháng 10.

Mùa xuân, cây mưng ra lộc, những nụ hồng tía tua tủa vươn lên. Lũ trẻ chúng tôi thường hái lộc mưng để ăn, có vị ngon nhưng chát. Khi lá mưng đã phát triển xanh tươi, người ta mới hái lá mưng non nấu với tép, cá. “Nước cạn thiếp xuống sông mò đam, bắt cá/ Nước nậy (nước lớn) thiếp lên rừng hái rau má, rau mưng” (Hát đối); “Tép đồng nấu với rau mưng/ Vừa ngon vừa ngọt vừa thương nhau nhiều” (Ca dao). Đặc biệt, món gỏi cá thì không thể thiếu rau mưng: “Cá lẹp mà kẹp rau mưng/ Ông ăn to miếng mụ trừng mắt lên” (Ca dao).

Cây mưng mùa ra hoa

Đến mùa nước lũ mới hiểu hết giá trị của Đường Bạn, mới thấy ông bà ta xưa có cách khắc chế lũ lụt hiệu quả. Nước lũ dồn về, theo đó biết bao là rều rác, cây khô, động vật hoang dã. Đường Bạn trở thành “tấm khiên” ngăn chặn, không cho rác rưởi tràn vào vùng dân cư sinh sống, đỡ biết bao thiệt hại cho bà con dân làng. Đường Bạn, như cái tên dân dã, mộc mạc của các cụ đặt cho, trở thành một người bạn che chở, đùm bọc cho dân làng trong những trận thiên tai, lũ lụt lớn.

Tôi lớn lên, Đường Bạn vẫn còn xanh tươi um tùm, lưu dấu một thời tuổi thơ tôi ở đó. Nhưng rồi, vật đổi sao dời. Những năm đầu thế kỷ XXI cơn lốc săn lùng cây lộc vừng về trồng làm cây cảnh, cây cho lộc ở các công sở, doanh nghiệp, các khu du lịch đã làm mất dần những cây mưng cổ thụ làng tôi. Đường Bạn đã tồn tại hàng mấy trăm năm bỗng dưng biến mất. Nghe đâu có cây mưng cổ thụ người ta mua đến vài chục triệu đồng. Tôi về quê, ngơ ngác trước Đường Bạn biến mất, không chỉ rừng cây mưng bị đào bứng cả gốc đem đi mất mà con đường cũng bị san phẳng thành đồng ruộng, không còn một dấu tích gì. Thế là hết Đường Bạn của tuổi thơ thần tiên, hết con đường rợp bóng cây mưng vang lừng tiếng chim, tiếng kêu của những con cuốc mùa hè và thôi rồi dãy bờ ao đầy hoa mưng đỏ trôi bồng bềnh trong nắng. Đứng ở Cồn Đình nhìn về Bàu Ao là một vùng trống trải, tôi lặng người đi, nghe lòng tê tái như mình đã mất đi người bạn thân thiết tuổi ấu thơ. “Ta về qua những truông cùng phá/ Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may/ Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ/ Nghe tàn cát bụi tháng năm bay...” (thơ Tô Thùy Yên).

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Cực chẳng đã người lao động mới bán lúa non (11/05/2023)

>   Kiếm tiền từ 'văn hóa dupe' (09/05/2023)

>   Ngày càng nhiều người Trung Quốc đầu tư mua nhà ở Thái Lan (08/05/2023)

>   Giá nước sạch Hà Nội sắp tăng lần đầu sau 10 năm (08/05/2023)

>   Hãng hàng không kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay, Bộ Tài chính lên tiếng (08/05/2023)

>   Món canh mát rượi giữa trưa hè nam nắng (07/05/2023)

>   Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Công nhân làm gì có của để dành? (07/05/2023)

>   Các cửa hàng xa xỉ phẩm tại châu Âu 'ngóng' du khách Trung Quốc (06/05/2023)

>   Tăng giá điện, mỗi hộ gia đình trả thêm bao nhiêu tiền? (05/05/2023)

>   Ai không muốn có lương hưu khi về già? (01/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật