Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Công nhân làm gì có của để dành?
Người lao động bước vào lứa tuổi 40 – 50 rất khó duy trì được công việc làm và đối diện với nguy cơ bị sa thải.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Với nỗ lực ngăn chặn làn sóng rút BHXH một lần, trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Tại chương trình tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội TP HCM và cử tri là công nhân mới đây, đại diện LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM đưa ra dẫn chứng một lao động tại một doanh nghiệp lớn sau 20 đóng BHXH chỉ nhận được mức lương hưu khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. "Với khoản lương hưu ít ỏi đó, sau khi nghỉ hưu, họ phải tiếp tục đi làm mới đủ sống. Đây cũng là một trong những lý do khiến NLĐ không mặn mà với lương hưu mà chọn rút BHXH một lần. Vì vậy, cần phải xem xét lại cách tính lương hưu sao cho phù hợp, hấp dẫn NLĐ" – vị cán bộ này nói.
Do rào cản tuổi tác, một số công nhân trên 40 tuổi tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) rất khó tìm việc làm mới. Ảnh: HƯƠNG HUYỀN
|
Liên quan đến vấn đề này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào tuổi nghỉ hưu và lương hưu và nhận được sự quan tâm của độc giả. Bạn đọc Phạm Uyên bày tỏ: "Lao động chân tay như chúng tôi 40 tuổi xương khớp đã đau nhức rã rời hết rồi chỉ mong được nghỉ sớm thôi . Vậy mà phải chờ đến 20 thậm chí hơn 20 năm nữa chắc là thành cát bụi cả rồi". Tương tự, một bạn đọc giấu tên chia sẻ: "Tuổi nghỉ hưu tốt nhất là nữ 55, nam 60 tuổi! Ai muốn làm thêm thì tiếp tục, chứ tuổi này còn năng suất lao động gì nữa!".
Bạn đọc Nguyễn Hùng hài hước: "45-50 tuổi cứ xuống làm công nhân đi, xem có trụ nổi 1 tuần không, người lao động chân tay tới cái tuổi đấy mắt mờ, chân chậm rồi, cũng không làm được việc nên các doanh nghiệp họ cũng tìm cách loại bỏ hết. Theo tôi, nên để nam 55 nữ 52 tuổi được hưởng lương hưu,, chứ đợi đến 62 tuổi mới được hưởng thì từ 50 đến 62 tuổi lấy gì mà ăn". Theo bạn đọc Nguyễn Lộc, không nên quy định tuổi hưu nhưng quy định năm đóng, tối thiểu là 20 năm. Trên 20 năm thì hưởng theo % tăng đần. 20 năm hưởng 45%, 30 năm thì 55%...Tương tự, một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Với người lao động ngoài quốc doanh, giảm năm đóng 20 năm xuống 15 năm thì cũng nên giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống 55 năm là hợp lý và lĩnh lương tới 80 tuổi là hết và hưởng trợ cấp theo chế độ nhà nước. Vấn đề đặt ra là 45 tuổi là các doanh nghiệp tìm cách cho nghỉ việc nên chờ đến 62 tuổi thì tiền đâu mà sinh sống. Khó khăn lắm thì họ mới rút BHXH một lần. Phần đông người lao động làm gì có của để dành"
Theo bạn đọc Phạm Sơn, người lao động bước vào lứa tuổi 40,50 rất khó duy trì được công việc làm. Doanh nghiệp nào giỏi, làm ăn uy tín thì còn đỡ, chứ doanh nghiệp nào mà kém, ít đơn hàng.. thì số lao động lớn tuổi sẽ bị sa thải đầu tiên. Họ đi xin việc rất khó vì chẳng công ty nào muốn nhận cả. Thử hỏi, họ sẽ lấy gì để đóng bảo hiểm cho tới khi về hưu? Vì vậy để tiếp tục duy trì cuộc sống thì họ chỉ còn cách duy nhất là..bấm bụng rút BHXH một lần để có chút tiền còm mưu sinh thôi. Bùi Tiến Dũng ấm ức: "Tôi năm nay 46 tuổi rồi, đóng BHXH 19 năm khi chốt sổ phải chờ đến 62 tuổi mới được hưởng lương hưu, không biết có sống nổi đến lúc đó không, chứ chưa nói đến việc còn làm việc được đến lúc đó".
Trịnh Quang Sơn góp ý: "Cứ để người lao động tự quyết định thời gian nghỉ hưu, miễn sao đóng đủ 20 đến 30 năm công tác, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Ai còn sức khỏe thì cứ làm đến 60 tuổi, ai bệnh tật và mệt mỏi thì cho họ tự nghỉ. Tương tự, một bạn đọc Tuấn đề xuất: "Ban soạn thảo sửa đổi Luật BHXH lần này nên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động? Nên tính lại độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động trong và ngoài nhà nước có hợp đồng lao động? Nam 60 tuổi nữ 55 tuổi đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên ai có nguyện vọng nghỉ hưu để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu?". Trong khi đó, bạn đọc Lê Thị Hồng Diệu góp ý: "Theo tôi nam đóng 20 năm, nữ đóng 15 năm là được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì cộng thêm 2%. Cho đến khi đủ tối đa 75% thì được nghỉ hưu mà không phụ thuộc vào tuổi nghỉ hưu".
An Khánh
ẢNH: MAI CHI HỒNG ĐÀO
Người lao động
|