Chủ Nhật, 30/04/2023 10:00

Sầu đâu mà sầu?

Cây sầu đâu (thầu đâu; xoan) là cây trồng quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ, Trung Bộ. Ở miền Trung quê tôi quen gọi cây sầu đâu, hay thầu đâu, thân gỗ cao lêu nghêu. Miền Bắc gọi là cây xoan. Khi mùa đông đến, sầu đâu trút lá chỉ còn trơ lại thân cây khẳng khiu. Để đến xuân về cây đâm chồi, nảy lộc, lá xanh mơn mởn. Vào độ xuân, quãng giêng hai, sầu đâu nở hoa thành từng chùm có màu tim tím đến nao lòng và hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. “Quê nhà một chốn giêng hai/ Hoa thầu đâu tím như ai đã từng…”. “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (Nguyễn Bính).

Sầu đâu mùa ra hoa.

Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm với cây sầu đâu. Miền Trung với gió, cát và nắng thích hợp với loài cây này. Sầu đâu rất sai trái, trái nhỏ hình bầu dục, da trơn nhẵn. Trái sầu đâu không ăn được nhưng là đồ chơi cho lũ con trai làm “đạn” cho vào ống thụt để chia phe đánh trận giả; làm “đạn” cho ná để bắn chim. Lũ con gái dùng trái sầu đâu để chơi đồ hàng. Những đêm trăng, quanh gốc sầu đâu lũ trẻ chúng tôi say sưa trò chơi trốn tìm, mải chơi đến quá khuya làm người lớn đem roi ra dọa đánh mới chịu về đi ngủ. Nhưng ký ức đẹp nhất là về hoa sầu đâu. Mỗi độ tháng hai về, bên hàng rào, xóm này và xóm khác, hoa nở bung thành từng chùm, nằm ở trên cây cao, thấy một màu trắng phớt pha lẫn tím nhạt. Những chùm hoa phát triển thật nhanh và không lâu bao phủ cả tàng cây, trước khi những búp lá non bắt đầu xuất hiện. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua, từng cánh hoa nhỏ xíu, tim tím rụng đầy ngõ nhỏ. Trăng tháng ba, mùa trăng đẹp nhất. Dưới ánh trăng, hoa sầu đâu trông đẹp hơn, một vẻ đẹp dịu dàng, thanh tao như các thôn nữ mềm mại gánh nước đêm trăng. Hương hoa sầu đâu không quý phái, nồng nàn như hoa sen, hoa hồng. Trong làn gió nhẹ hiu hiu, mùi hương hoa sầu đâu thoang thoảng, nhẹ nhàng, mông lung như hương đất, hương cây cỏ hòa lẫn vào nhau.

Cây sầu đâu có thân cao, trung bình cỡ bốn đến năm mét. Người ta trồng sầu đâu để làm củi, lấy gỗ. Gỗ sầu đâu khá xốp, nhẹ, ngày trước được đẽo làm thành những đôi guốc mộc, là loại hàng “xịn” nức tiếng, phổ biến một thời. Khăn the guốc mộc trở thành thời trang quý phái của chị em đầu thế kỷ XX.

Ngày trước, không có nhiều thuốc tân dược để dùng. Lá sầu đâu rất đắng được dùng đun nước tắm cho người bị ghẻ. Còn đây trong ký ức những lần bị ghẻ, mẹ nấu nồi nước sôi với lá sầu đâu, phải gãi cho những mụn ghẻ tróc da, tứa máu; tắm nước sầu đâu nóng, đắng quá đau rát, nhưng chỉ vài lần tắm thì ghẻ lở bay mất tiêu. Gà mái đang ấp trứng trên ổ hay bị con mạt nhỏ li ti bu kín, cho một ít lá sầu đâu vào ổ gà là mạt bay đi hết. Lá sầu đâu còn dùng để dú cho trái cây chín trong lu, khạp. Buồng chuối mới già hườm hay trái mít búng tay vào nghe có tiếng “bốc”, trái mãng cầu mắt đã mở… được hái đem dú với lá sầu đâu cho nhanh chín và chín rất đều. Hương thơm của cây trái chín vườn quyện với hương sầu đâu còn ngọt ngào đến hôm nay, làm thổn thức ký ức người xa quê.

Nói đến sầu đâu, tôi nhớ câu chuyện cổ tích các bà lão làng tôi đã kể. Chuyện rằng, cây sầu đâu là hiện thân của một cô gái chờ đợi người yêu, nhưng chàng trai đi mải không về. Sự đợi chờ mòn mỏi đã làm cô gái hóa thành loài cây cứ vươn thẳng lên trời, cao hơn những tầng lá khác để nhìn xa hơn. Tình yêu của cô đã hóa thành những chùm quả chi chít được đơm từ những giọt nước mắt đau khổ và đợi chờ nên quả độc và không ăn được. Vẻ đẹp của cô gái lại phảng phất trong những chùm hoa tím, màu tím của sự thủy chung.

Cây cối, nhất là những cây lâu năm cũng có linh hồn như con người. Ngày tôi còn nhỏ, các cụ lớn tuổi đã bảo tôi: cây đa, cây si ở đình làng, nền Âm hồn là nơi trú ngụ của các Ngài! Trước đây, ông bà ta còn có phong tục để tang cho cây khi trong nhà có người thân qua đời. Việc “chít khăn tang” cho cây được thực hiện bằng cách quệt vôi. Chỉ những cây lâu năm mới được dự phần nghi lễ này. Khi trong nhà có người nằm xuống, dù tang gia bối rối thế nào cũng không quên cắt cử người đi mua vôi trắng dạng tinh về. Sau đó, hòa vôi với nước, dùng chổi lông hoặc dùng tay quệt một vòng quanh thân cây. Công việc này do người có tuổi tác, có uy tín trong nội tộc đứng ra làm.

Vậy thì, sầu đâu- có sầu không? “Thân em như cây thầu đâu/ Ngoài tươi trong héo giữa sầu tương tư” (Ca dao).

……………….

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Giá vé máy bay "hạ nhiệt" ngay trước kỳ nghỉ lễ: Hành khách cảm giác như bị "mắc bẫy" (26/04/2023)

>   Công bố bảng xếp hạng 10 thành phố giàu nhất thế giới năm 2023 (26/04/2023)

>   Thu nhập bình quân của lao động gần 8 triệu đồng một tháng (24/04/2023)

>   Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ bản giấy (22/04/2023)

>   Nhà kim hoàn 186 tuổi Tiffany mở rộng ở Việt Nam, mục tiêu bành trướng châu Á của tỷ phú giàu nhất thế giới (22/04/2023)

>   TPHCM lọt top 10 Thành phố có dân số siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới (20/04/2023)

>   TP HCM: 6 công ty cho vay lãi suất "khủng", hàng loạt giám đốc bị khởi tố (20/04/2023)

>   Tiền mặt vẫn là vua? (19/04/2023)

>   Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Cấm việc mua, bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức (18/04/2023)

>   Vé máy bay – ở hai đầu nỗi… giá (18/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật