Thứ Ba, 23/05/2023 09:41

Đề xuất thay đổi tuổi nghỉ hưu – chùn chân khi chưa đi tới một nửa lộ trình?

Vừa qua, truyền thông đưa tin một nhóm 8 Hiệp hội đã gửi đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan bảng góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong nhiều nội dung, nhóm hiệp hội này đề xuất người lao động được nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng với nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức lương hưu được hưởng sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Đề xuất này có được thông qua hay không chưa biết nhưng nó cũng gợi mở đôi điều về việc xây dựng pháp luật trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp ghi nhận người lao động chủ yếu thuộc nhóm lao động chân tay, đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, khó đảm bảo được yêu cầu công việc. Ảnh minh họa: MINH DUY

Tuổi nghỉ hưu là nội dung đã từng được bàn luận sôi nổi khắp các diễn đàn trước khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành. Trước các luồng ý kiến, các nhà lập pháp chọn giải pháp trung dung, tránh gây sốc cho thị trường lao động mà vẫn đảm bảo mục tiêu thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 28-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Chính phủ chọn giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và đưa ra bốn lý do chính để thuyết phục Quốc hội thông qua, bao gồm: (i) bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng của lực lượng lao động. (ii) chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. (iii) tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới về xác định tuổi nghỉ hưu. (iv) việc nâng tuổi nghỉ hưu nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là bước đi cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, nhất là với nữ.

Với các lý do trên, Quốc hội đã thông qua phương án nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và chúng ta có kết quả là quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Sau khoảng hai năm có hiệu lực, Bộ luật Lao động đứng trước nhu cầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi chưa đi được một nửa lộ trình mà nó đã đặt ra trước đó. Các doanh nghiệp ghi nhận người lao động chủ yếu thuộc nhóm lao động chân tay, đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, khó đảm bảo được yêu cầu công việc.

Nếu đợi đúng lộ trình để nhận lương hưu thì doanh nghiệp… lãnh đủ, vừa phải chi trả lương, phụ cấp đều đặn nhưng năng suất lao động nhận được lại không bằng so với trước. Vì lẽ đó, doanh nghiệp mong muốn có cơ chế “thoáng” hơn để có thể hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Đề xuất của nhóm hiệp hội phần nào có lý nhưng liệu có được chấp nhận hay không trên thực tế thì cần chờ thêm thời gian. Tuy nhiên, đề xuất đã gợi ý việc cần nhìn nhận lại quá trình ban hành quy định về độ tuổi nghỉ hưu. Trước đó, để thuyết phục việc tăng tuổi hưu theo lộ trình, các cơ quan bộ ngành đã lấy ý kiến, tổng kết thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Nhưng rồi, điều mà chúng ta đúc kết và ghi thành luật lại không tương thích với nhu cầu cuộc sống thực tế, nơi mà các quy định pháp luật được áp dụng, thực thi. Pháp luật lại chạy sau sự vận hành của cuộc sống và điều đáng nói hơn là hệ lụy của nó đối với kinh tế xã hội.

Đã từ lâu, chúng ta bàn luận về tính ổn định và dự báo trong quy định pháp luật. Để thu hút dòng vốn đầu tư, chúng ta cần cho thấy chính sách pháp luật nhất quán, ổn định và dự báo được. Quan trọng hơn, pháp luật phải cho thấy sự phù hợp với cuộc sống muôn màu. Một chính sách pháp luật ổn định, phù hợp sẽ giúp người dân có thêm thì giờ tập trung vào sinh kế, doanh nghiệp cũng lấy đó làm cơ sở mà vạch ra các chiến lược dài hơi của mình.

Nếu không có sự ổn định, pháp luật khó đóng vai trò nền tảng để người dân, doanh nghiệp để tạo ra những cú hích ở các lĩnh vực, đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước. Bởi lẽ, chỉ riêng việc cập nhật và thực thi trong bối cảnh pháp luật thay đổi thường xuyên – nhất là các quy định có tính chất dài hơi sẽ làm hao tốn biết bao nguồn lực của xã hội.

Và còn độ vênh giữa chính sách với thực tiễn đang hiện hữu liệu có được nghiêm túc đánh giá, để từ đó có cách nghiên cứu soạn thảo luật sao cho luật đừng chạy sau cuộc sống? Nếu dễ dàng thông qua một đạo luật nhưng lại không có cơ chế chịu trách nhiệm, e rằng tuổi thọ của các đạo luật sẽ ngày càng ngắn, kèm theo đó mầm mống của sự bất an, lo âu trong xã hội gia tăng.

Nguyễn Thái Hải Lâm

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội – góc nhìn pháp lý (23/05/2023)

>   3,5 tỷ đồng bảo hiểm bị thu sai trong năm 2021 (18/05/2023)

>   Manulife xuống nước sau thông báo 'cứng' với khách hàng (16/05/2023)

>   Cả trăm khách hàng đến trụ sở Manulife đòi hủy gói "Tâm an đầu tư" (15/05/2023)

>   Manulife lên tiếng: Không phải ai mua bảo hiểm qua SCB cũng được hoàn tiền 100% (15/05/2023)

>   Đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm (13/05/2023)

>   Doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm (10/05/2023)

>   Manulife lên tiếng về giấy xác nhận với khách hàng (08/05/2023)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 700 nghìn tỷ đồng (06/05/2023)

>   Bộ Tài chính phân loại xử lý 350 đơn tố cáo về bán bảo hiểm qua ngân hàng (06/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật