Mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội – góc nhìn pháp lý
Giao dịch của những hội nhóm mua bán và cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đặc biệt khi lượng hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng nhiều, ùn ứ vì thủ tục. Chiếc “vỏ bọc” ủy quyền nhận bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành đang làm rối cơ quan bảo hiểm và mang đến rủi ro cho cả bên bán và bên mua.
Nạn thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) trở nên phổ biến hơn kể từ khi dịch Covid-19 khiến đời sống kinh tế của nhiều người lao động (NLĐ) trở nên hết sức khó khăn. Và khi lượng hồ sơ rút BHXH một lần ngày càng nhiều hơn thì các hội nhóm càng giao dịch nhộn nhịp hơn, thậm chí quảng cáo công khai. Những lời rao thu gom, mua bán sổ BHXH xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục rút BHXH đã vô tình đẩy người lao động tìm đến các giao dịch này nhiều hơn trước. Và mức giá mua bán sổ chỉ từ 30% số tiền mà người lao động nhận được khi rút BHXH một lần.
Lợi dụng quy định về ủy quyền nhận trợ cấp BHXH (tại điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014), “bên mua” sổ BHXH yêu cầu người lao động ký hợp đồng ủy quyền cho họ toàn quyền rút BHXH một lần. Dưới “vỏ bọc” này, hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH diễn ra công khai và gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi phải phân biệt tính thật và giả trong thực hiện thủ tục.
Rủi ro cho cả “bên mua” và “bên bán”
Hoạt động mua bán, cầm cố sổ BHXH tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả “bên mua” và “bên bán”.
Trước hết, cần phải thấy sổ BHXH không phải là đối tượng của giao dịch mua bán, cầm cố. Với sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, quỹ BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Hiểu đơn giản, BHXH như là một quỹ tài chính và người lao động sẽ được quỹ này chi trả khi phát sinh sự kiện bảo hiểm theo quy định.
Sổ BHXH của người lao động được xem là một chứng từ về hành chính, gắn liền với nhân thân người được hưởng chế độ phúc lợi. Nó không phải là tài sản vì không thuộc một trong bốn hình thức: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (theo điều 105 Bộ Luật dân sự 2015), do đó, các giao dịch mua bán, cầm cố liên quan đến sổ BHXH sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Trong giao dịch mua bán sổ BHXH, người lao động phải đối mặt với việc bị ép giá bán thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà họ có thể nhận được. Họ cũng sẽ mất đi những phúc lợi xã hội có được từ chính sách an sinh nhân văn khi đến thời điểm họ bị ảnh hưởng hoặc mất khả năng lao động.
Về phía người mua, việc mua bán, cầm cố sổ BHXH có thể khiến họ đối mặt với việc “mất trắng” nếu người lao động tự mình làm lại sổ và rút BHXH trước, hoặc người lao động qua đời trước thời điểm đủ điều kiện rút BHXH một lần.
Chế tài pháp lý
Giao dịch mua bán, cầm cố sổ BHXH không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Trên thực tế, như đã nói, loại giao dịch này ẩn danh dưới vỏ bọc ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính. Theo quy định của pháp luật dân sự, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực trừ trường hợp giao dịch bị che giấu cũng vô hiệu (điều 124 Bộ Luật dân sự 2015). Ở đây, việc ủy quyền là giao dịch giả tạo nên vô hiệu, và giao dịch bị che giấu là mua bán, cầm cố sổ BHXH cũng vô hiệu, tức giao dịch được xác lập nhưng không có hiệu lực.
Mặt khác, việc mua bán, cầm cố sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, các bên tham gia có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở khía cạnh xử lý hành chính, hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH có thể bị xem là vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH được quy định tại điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, với hình thức xử phạt là phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi lập, dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ sai lệch nội dung hồ sơ BHXH để lừa dối cơ quan BHXH nhằm chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 214 Bộ luật hình sự, với mức phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp số tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.
Một số khuyến nghị
Đối mặt với thực trạng này, các cơ quan ban ngành cũng đã có những biện pháp kịp thời như xác minh, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường thông tin, cảnh báo người dân tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng xấu lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người lao động để trục lợi.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan BHXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhiều tỉnh thành đã đề nghị bổ sung hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH vào hành vi bị nghiêm cấm. Trước thực trạng trục lợi BHXH đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, thiết nghĩ việc này cần thiết và cấp bách, giúp cho việc áp dụng chế tài xử lý được rõ ràng và phù hợp hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường sự phối hợp với người dân và các ban ngành trong việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH để trục lợi.
Ngoài ra, phương án 2 về rút BHXH một lần tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc tiến tới bỏ quy định về thời gian chờ 12 tháng (sau khi nghỉ việc) mới được yêu cầu rút BHXH một lần. Việc điều chỉnh quy định này không chỉ giúp thủ tục hành chính được thuận lợi mà còn loại bỏ được “yếu tố khó khăn” mà “bên trung gian” có thể lợi dụng để thực hiện việc mua bán, cầm cố sổ BHXH, góp phần bảo toàn lợi ích cho người lao động khi họ thật sự cần thiết hoặc buộc phải rút BHXH một lần.
Cần xử mạnh tay hơn đối với hành vi trục lợi BHXH
Một thực tế là kể từ dịch Covid-19, số lao động thất nghiệp, mất việc làm gia tăng. Tình trạng kinh tế khó khăn, thiếu trước hụt sau buộc nhiều người phải “bấu víu” vào khoản “của để dành” là tiền BHXH (nhận một lần), nhất là đối với những người không có một khoản tiền hay khoản tài sản tích lũy nào khác.
Một số người đã “nhắm mắt đưa chân”, chấp nhận bán hoặc cầm cố sổ BHXH dù biết sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Thậm chí họ cũng biết đó là vi phạm pháp luật, nhưng vì thời gian chờ 12 tháng (để nhận BHXH một lần) còn xa mà mỗi một ngày trước mắt đều phải chi phí trong khi họ đã mất nguồn thu nhập. Quy định buộc họ phải chờ đợi, còn hoàn cảnh khó khăn thì không chờ đợi họ, đó chính là mảnh đất thuận lợi cho nạn mua bán, cầm cố sổ BHXH nở rộ.
Mới đây, trong góp ý sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động đã đề xuất cho phép người lao động được làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần chỉ sau ba tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bị mất việc (giảm từ quy định chờ 12 tháng theo luật hiện hành). Đây là một đề xuất phù hợp với mong mỏi của hàng triệu công nhân lao động, phù hợp với tình hình cũng như đời sống hiện nay của người lao động.
Và để ngăn chặn tình trạng cầm cố, mua bán sổ BHXH, thiết nghĩ cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định liên quan theo hướng tăng nặng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này, bởi mức phạt hiện nay (Nghị định 12/2022/NĐ-CP) còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Tuy vậy, cũng cần xem xét hành vi vi phạm có hay không có dấu hiệu trục lợi để chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với các đối tượng trục lợi, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Đước
|
LS. Lê Thanh Duy LS. Đặng Xuân Đạt
TBKTSG
|