Chuyên gia Dragon Capital: Thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu
Tại Investor Day quý 2/2023 của Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc khối Chứng khoán nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ vùng đáy sang phục hồi. Những nhịp điều chỉnh là cơ hội mua vào cổ phiếu.
Ảnh chụp màn hình
|
Chu kỳ thị trường gắn liền với 5 tiêu chí: Lãi suất, tỷ giá, thanh khoản, phá sản và kỳ vọng lợi nhuận. Ông Tuấn cho biết, hiện thị trường chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi với lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản bắt đầu nới lỏng, phá sản chậm lại. Tuy nhiên, kỳ vọng lợi nhuận chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến việc chỉ số VN-Index chưa qua được giai đoạn phục hồi hoàn toàn.
Chu kỳ thị trường: Khởi đầu cho giai đoạn hồi phục. Ảnh chụp màn hình
|
Ông Tuấn cho biết, chúng ta đang trong chu kỳ chuyển hóa chính sách tiền tệ (CSTT) từ thắt chặt sang nới lỏng và định giá tốt sẽ hạn chế cho xu thế giảm, có nghĩa thị trường có rớt 15% hay 20% giống như những năm 2022 trong thời gian tới hay không thì rất khó xảy ra. Tuy nhiên, có một điểm tương đối chưa đẹp là tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2023, Dragon Capital dự báo lợi nhuận tăng trưởng khoảng 5%.
“Chúng ta nới lỏng tiền tệ nhưng chưa có tăng trưởng, muốn có xu hướng tăng trưởng mạnh thì hai cái này phải đi chung với nhau, tuy nhiên hiện thì chưa thấy đi chung”, ông Tuấn cho biết.
Ước tính lợi nhuận thị trường 2023 tăng 5.2%. Ảnh chụp màn hình
|
Cung tiền cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cung tiền đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, tính theo year-over-year (so với cùng kỳ năm trước). Dẫn đến GDP quý 1/2023 (tăng 3.3% so với cùng kỳ) thấp gần bằng với mức của năm 2020 (3.2%) – năm xảy ra dịch Covid-19, cũng là mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Đây cũng là yếu tố khiến cho lợi nhuận của năm 2022 giảm 1.1%, đầu năm kỳ vọng tăng trưởng đến 25%.
Nhìn lại từ cuối 2021 đầu 2022 đến tháng 9/2022, TTCK Việt Nam và Mỹ đi rất đồng điệu. Nhưng cũng từ đó, TTCK Việt Nam và Mỹ bắt đầu có sự lệch pha. Ông Tuấn cho biết ngoài các yếu tố rủi ro như Vạn Thịnh Phát xảy ra thì quan trọng nhất là cung tiền.
Định giá thị trường ở mức thấp trong lịch sử. Ảnh chụp màn hình
|
Mặt khác, định giá TTCK Việt Nam cũng về mức thấp nhất lịch sử với P/B thậm chí thấp hơn mức ở đợt dịch Covid-19. Khi nhìn một chu kỳ lớn, hãy nhìn vào P/B chứ không nên nhìn P/E, vì đây là con số rất biến động.
Các biện pháp đồng bộ của Chính phủ. Ảnh chụp màn hình
|
Về các chính sách, Chính phủ đã và đang thực hiện các biện pháp đồng bộ. Từ tháng 11-12 năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Từ tháng 3/2023 trở đi là những chính sách hỗ trợ TPDN và bất động sản. Sau đó bắt đầu có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng phải mất 6-9 tháng mới thấy được sự chuyển hóa này thông qua số liệu.
Ông Tuấn ví von tăng trưởng như một người bệnh được đưa vào phòng cấp cứu, có uống thuốc cũng không thể ngồi dậy ngay được. “Nhưng các bạn biết không, đang vào cấp cứu rồi, uống thuốc vào đỡ thôi, nhưng để ra được khỏi phòng cấp cứu rất mất thời gian”.
Các chính sách thúc đẩy dẫn đến lãi suất cho vay thế chấp giảm 1-1.5% từ mức đỉnh 13-14% về khoảng 11-12%. Theo ông Tuấn, mức 12% vẫn cao chưa kích thích lại được đầu tư bất động sản, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy chính sách đang có tác dụng. Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm 3-5% từ mức 6-7%.
Ảnh chụp màn hình
|
Chấm điểm cho các yếu tố trong nước, ông Tuấn giải thích 1 điểm là rất tệ, 3 điểm là bình thường và 5 điểm là tốt. Trong đó, các tiêu chí toàn cầu như định hướng lãi suất của Fed gần như trung tính, tức ở mức gần 3 điểm, thanh khoản thị trường cũng được đánh giá tốt; nhưng tăng trưởng thế giới có thể là vấn đề sắp tới, vấn đề địa chính trị cũng rất phức tạp và được đánh giá dưới trung bình. Tổng điểm cho các tiêu chí toàn cầu là 2.8 điểm. Về thị trường Việt Nam, kể từ tháng 3-4/2023, điểm số về CSTT và tỷ giá đã được cải thiện, Chính phủ đã có những chính sách về tiền tệ cũng như tỷ giá để kích thích tăng trưởng. Tổng điểm cho các tiêu chí Việt Nam là 2.93 điểm.
Ảnh chụp màn hình
|
Còn về các yếu tố thị trường, ông Tuấn cho biết thị trường thế giới được kỳ vọng đang ở mức cao, do đó có thể có những cú giảm trong 3-6 tháng tới, nên chỉ số chỉ số S&P 500 được đánh giá 2 trên 5 điểm. CSTT Việt Nam đang đi rất đúng hướng. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chưa tốt, chưa thấy được xu hướng tăng trưởng lợi nhuận. Tiêu chí định giá và dòng tiền cũng được chấm điểm tốt. Điểm tổng trên mức trung bình, đạt 2.9 trên 5. Vì thế, ông Tuấn khuyên rằng, chúng ta không nên rời bỏ thị trường, cũng không nên “margin” vào thị trường, mà nên có vị thế tích lũy. Những cú giảm là cơ hội mua vào, nhưng cũng không nên mua đuổi thị trường.
Tóm lại, về mặt kinh tế vĩ mô, các chính sách đang đi đúng hướng, lãi suất tiếp tục giảm, nhưng tăng trưởng vẫn là thách thức lớn, chưa thấy được động lực.
Ông Tuấn nhấn mạnh, năm 2023 chúng ta không nên kỳ vọng có được mức lợi nhuận từ 30% hay 50%, khi nhìn về thị trường chung không nên kỳ vọng về những đợt tăng quá mạnh, nhưng định giá rẻ sẽ hạn chế rủi ro lớn cho thị trường. “Năm nay, những lúc các bạn thấy thị trường rớt các bạn sợ, hãy nhắm mắt lại mua. Đây là giai đoạn tích lũy cho một pha tăng trưởng vào năm 2024”.
Kha Nguyễn
FILI
|