Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng Theo kế hoạch của Chính phủ, trước 30-6-2023, cả ba dự án thành phần cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) sẽ khởi công. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án thành phần 1 và thành phần 2 (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai) vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN |
TTXVN đưa tin, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, xây khu tái định cư nhưng đến nay, những ách tắc này vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo kế hoạch của Chính phủ, trước 30-6-2023, cả ba dự án thành phần cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) sẽ khởi công. Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án thành phần 1 và thành phần 2 (thuộc tỉnh Đồng Nai) vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài hơn 53 km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu với ba dự án thành phần; trong đó đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34 km, được chia làm hai dự án thành phần 1 và 2. Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai được giao thực hiện giải phóng mặt bằng hai dự án thành phần này.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua 11 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành (Đồng Nai). Để thực hiện dự án, Nhà nước phải thu hồi hàng trăm héc ta đất của nhiều tổ chức và gần 4.000 hộ dân. Đây là dự án ảnh hưởng, tác động rất lớn đến người dân, chỉ sau sân bay Long Thành.
Để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án bồi thường đã có văn bản đề nghị huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa ban hành thông báo thu hồi đất đến người dân. Nhưng đến nay, chỉ có thành phố Biên Hòa ra thông báo, huyện Long Thành vẫn đang nghiên cứu hồ sơ.
Mới đây, ngành chức năng đã họp với người dân, trao thông báo thu hồi đất, đồng thời giải thích những vấn đề liên quan đến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cho người dân ở thành phố Biên Hòa; tới đây sẽ thực hiện đo đạc, kiểm đếm đất đai, sau đó ra quyết định thu hồi đất. Riêng huyện Long Thành, do địa phương chưa ra thông báo thu hồi đất, mọi thứ bị ách tắc.
Luật quy định trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày với đất phi nông nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết.
Việc ban hành thông báo thu hồi đất là căn cứ, mốc quan trọng trong quá trình giải phóng mặt bằng, nếu không có thông báo, không thể tiến hành kiểm đếm, đo đạc đất đai, không thể thu hồi đất.
Để xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Đồng Nai dự kiến xây dựng 4 khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 140 ha. Song đến nay, ba khu tái định cư đang vướng mắc về nguồn gốc đất đai (phần lớn đang là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ) nên phải chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong ngắn hạn chưa thể xây dựng.
Đầu năm nay, tỉnh khởi công khu tái định cư Long Đức (huyện Long Thành) với diện tích 30 ha. Đến nay, khu tái định cư Long Đức vẫn bất động vì chưa giải phóng được mặt bằng.
Từ thời điểm hiện tại đến mốc khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào cuối tháng 6 chỉ còn hơn một tháng, không đủ thời gian để Ban Quản lý dự án bồi thường thu hồi đất của các gia đình.
Để có mặt bằng phục vụ khởi công, Đồng Nai đã đề nghị một số cơ quan Trung ương chuyển giao diện tích đất (do cơ quan Trung ương đang quản lý) trong vùng dự án về cho tỉnh thực hiện thu hồi đất.
Đồng thời, tỉnh đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn theo thông báo thu hồi đất, việc bồi thường, hỗ trợ sẽ được thực hiện song song.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án trọng điểm quốc gia. Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư song đến nay, những ách tắc vẫn chưa được tháo gỡ. Nếu không có giải pháp quyết liệt, nhiều khả năng dự án bị chậm tiến độ.
N.Tân TBKTSG
|