Thứ Sáu, 05/05/2023 13:10

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Nhiều lĩnh vực đã có tín hiệu và xu hướng tích cực hơn

Ngày 5/5, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo, trong những tháng đầu năm, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản…

Mặc dù vậy, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế,… Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, WB, OECD,… tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Chỉ đạo, điều hành tác động tích cực trên mọi mặt của nền kinh tế

Nhận thức sâu sắc về bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tác động tích cực trên mọi mặt của nền kinh tế, trong đó, nhiều lĩnh vực đã có tín hiệu và xu hướng tích cực hơn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã rất quyết liệt, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường, tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, ách tắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn, an sinh xã hội,…

Nổi bật trong tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất trong năm 2023; Nghị quyết số 58/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững,...; tổ chức 5 Tổ công tác làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg và Quyết định số 435/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho từng Thành viên Chính phủ để rà soát, nắm bắt tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu tại từng địa phương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tính chung 4 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gần 600 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại; ban hành 16 nghị định, 75 nghị quyết, 12 quyết định quy phạm pháp luật, 480 quyết định cá biệt, 25 công điện, 11 chỉ thị, tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc về quy định thuộc thẩm quyền, chỉ đạo quyết liệt, sát sao từng bộ, cơ quan, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định, hướng dẫn tạo thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện, xử lý các công việc thường xuyên, bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài; có giải pháp ứng phó, tháo gỡ kịp thời với các vấn đề mới phát sinh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Đáng chú ý, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng; đẩy mạnh công tác quy hoạch, tổ chức công bố Quy hoạch Tổng thể quốc gia; làm việc với một số địa phương động lực kinh tế, như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và chuẩn bị làm việc với Hà Nội…; tổ chức hội nghị tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư tại Việt Nam; khởi động lại một số dự án lớn thuộc danh mục các dự án kém hiệu quả của ngành công thương (khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2), khánh thành một số dự án giao thông trọng điểm, đoạn tuyến cao tốc thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45, tuyến Dầu Giây - Phan Thiết, hoàn thành bến cảng Việt Lào (bến số 3) cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh; tiếp tục thúc đẩy tiến độ xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt đề án tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém; ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp; ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP và chỉ đạo Bộ Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế,…

Nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực, nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, CPI tháng 4 giảm 0.34% so với tháng trước, chỉ tăng 2.81% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3.7% so với tháng trước và tăng 11.5% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 984,000 lượt người, tăng 9.9% so với tháng trước và gấp 9.7 lần cùng kỳ 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu, tháng 4 ước đạt 1.51 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của tháng 3 (1.39 tỷ USD); chỉ số IIP ước tăng 3.6% so với tháng trước...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng năm 2023 tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết quả đạt được trong tháng 4 đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3.84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý 1 (4.18%) và 2 tháng đầu năm (4.6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng cần tiếp tục lưu ý. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tính chung 4 tháng, thu NSNN ước đạt 39% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 39.5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6.35 tỷ USD (cùng kỳ đạt 2.35 tỷ USD).

Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định; phòng chống tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm mùa xuân; sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt (IIP tháng 4 tăng 0.5% so với cùng kỳ năm trước); trong đó IIP công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0.2% (2 tháng đầu năm ngành chế biến, chế tạo giảm 6.3%, tháng 3 giảm 1.6%).

Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12.8%. Khách quốc tế đến nước ta 4 tháng ước đạt gần 3.7 triệu lượt khách, gấp 19.2 lần cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50,000 doanh nghiệp, tăng 0.6% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc Tập đoàn Tư vấn Economist Group (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý 2/2023, trong đó ghi nhận Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng (tăng 12 bậc).

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022, trong đó, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới; theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tương lai kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, các vấn đề tồn đọng như dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém tiếp tục được tập trung tháo gỡ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau gần 2 tháng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 24.9 ngàn tỷ đồng (chiếm 97% khối lượng kể từ đầu năm 2023); một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác. Một số dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương,… đã được tháo gỡ vướng mắc kéo dài nhiều năm về tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận…

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; làm tốt công tác chăm lo người dân vui xuân, đón Tết; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Thứ năm, các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong tháng, nhiều hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật, chính trị, thể thao được tổ chức để chào mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (01/05)… Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.

Thứ sáu, ngành giáo dục tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; rà soát biên chế giáo viên năm học 2023-2024 tại các địa phương, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thứ bảy, ngành y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh COVID-19, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, không để ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn;...

Thứ tám, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa; xử lý nghiêm các hành vi tung tin xấu, tin giả; triệt phá đường dây vận chuyển ma túy lớn qua đường hàng không; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, tăng cường phòng, chống cháy nổ; bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông, sử dụng rượu bia khi lái xe.

Thứ chín, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao quan hệ đối tác song phương và đa phương; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI, thị trường khách du lịch quốc tế.

Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,… oạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.  Điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hết hiệu quả. Rủi ro dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo... tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình trên đòi hỏi các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn; phát huy kết quả đã đạt được trong tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nền kinh tế, các thị trường; tranh thủ cơ hội, dư địa chính sách để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi kinh tế, phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...

Với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" và đặc biệt là không lơ là, chủ quan, tận dụng triệt để các cơ hội có được, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; bám sát quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp tài khóa, tiền tệ, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực phát triển, nhất là các địa phương động lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh; đẩy mạnh các giải pháp trong trung và dài hạn, thực hiện 3 đột phá chiến lược,...

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   PMI tháng 4/2023: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh (04/05/2023)

>   Chính sách tài khóa mở rộng – cần thêm giải pháp nào? (02/05/2023)

>   4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3.84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4.9% (29/04/2023)

>   Phát triển kinh tế số Việt Nam cần dựa trên cả 3 trụ cột (28/04/2023)

>   OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 (26/04/2023)

>   Những chính sách kinh tế chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2023 (25/04/2023)

>   Thường trực Chính phủ họp bàn tháo gỡ khó khăn về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp (25/04/2023)

>   Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững (24/04/2023)

>   Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm cơ hội phát triển mới (20/04/2023)

>   Chính sách tài khoá thể hiện sự đồng hành của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt khó (20/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật