Những chính sách kinh tế chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2023
Những chính sách kinh tế như tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ; quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2023.
Trái phiếu Chính phủ.
|
Một loạt chính sách mới về tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ; quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính; quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2023.
Quy định mới về tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ
Ngày 10/2/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước.
Thông tư 12 bổ sung quy định về "Tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ" (Điều 15a) như sau: Trường hợp Kho bạc Nhà nước nhận được tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ trong thời gian mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hoàn trả số tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ đã nhận được cho các ngân hàng thương mại theo mã trái phiếu Chính phủ mà Kho bạc Nhà nước nhận được tiền lãi danh nghĩa.
Việc hoàn trả tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ được thực hiện bên ngoài hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch Chứng khoán; thời điểm hoàn trả lãi danh nghĩa do hai bên tự thống nhất, nhưng không được muộn hơn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực thanh toán lãi trái phiếu.
Trường hợp chuyển tiền lãi danh nghĩa chậm, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thanh toán tiền phạt chậm thanh toán cho ngân hàng thương mại đối với số ngày chậm thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm thanh toán quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/5/2023.
Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thông tư này hướng dẫn về xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 02 hình thức nộp tiền phạt (tiền mặt và chuyển khoản).
Trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
|
Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2023.
Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BTC ngày 17/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Thông tư số 16/2023/TT-BTC sửa đổi quy định về "Điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ" (sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2) như sau:
Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu."
Thông tư bổ sung quy định "Phân phối lợi nhuận đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của nhà nước" (Điều 7a).
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ; trường hợp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ để xác định lợi nhuận sau thuế làm cơ sở phân phối.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2023.
Quy định mới về dịch vụ thông tin duyên hải
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 03/2023/TT-BGTVT ngày 30/3/2023 quy định chi tiết đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thông tư nêu rõ, Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải và Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) là đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải.
Theo Thông tư, căn cứ vào khối lượng dịch vụ sự nghiệp công quy định, giá dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải năm gần nhất, dự kiến biến động các yếu tố chi phí đầu vào, VISHIPEL có trách nhiệm lập nhu cầu kinh phí để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải của năm tiếp theo gửi Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 30/5 hàng năm.
Trên cơ sở đề xuất của VISHIPEL, Cục Hàng hải Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải năm tiếp theo gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 1/7 hàng năm để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp trong dự toán chi ngân sách Nhà nước gửi Bộ Tài chính theo quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2023.
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.
(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Nghị định bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Việc tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Đất đai; đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.
Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 17a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.
Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.
Ngoài nội dung trên, Nghị định còn bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư.
Nghị định cũng quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) qua mạng. Theo đó, người dân sẽ được nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện, mà không phải trực tiếp đến tận cơ quan quản lý để thực hiện như trước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5./.
Thùy Linh
Vietnamplus
|