Chính sách tài khoá thể hiện sự đồng hành của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt khó
Việc giảm, giãn các loại thuế phí nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có thêm điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Đó là những chính sách tài khoá thể hiện sự đồng hành của Chính phủ giúp DN vượt khó.
Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những tác động của chính sách tài khoá vừa qua tới DN, hộ kinh doanh cũng như nền kinh tế.
Chính sách tài khoá đa mục tiêu
Ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Trong đó, đáng chú ý là Nghị định của Chính phủ cho gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 và quý I năm 2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 năm 2023 và quý II năm 2023, gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2023, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập DN tạm nộp quý l, quý II của kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2023; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.
|
Việc Chính phủ cho phép giãn, hoãn các loại thuế là động thái được các DN đón nhận, có tác động tích cực tới nhiều DN, hộ kinh doanh trong trong nền kinh tế quốc dân.
Qua Nghị định giãn hoãn thuế này, các DN hoàn toàn có thể tính được dòng tiền, được hoãn giãn bao nhiêu thuế chưa phải nộp, từ đó, chủ động dùng nguồn lực đó vào sản xuất kinh doanh cũng như tái sản xuất.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích: Việc triển khai Nghị định 12 giúp các DN có thể tiết kiệm chi phí sử dụng vốn lớn, tiết kiệm thời gian, giảm lo lắng thủ tục vay nợ tìm kiếm nguồn tài chính, chí phí dùng vốn cho DN.
Nhìn lại việc triển khai việc giãn hoãn thuế thời gian trước đây, như năm 2022, thì việc triển khai với các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện chính sách rõ ràng, có tác động khá mạnh tới tình hình DN, hộ kinh doanh.
Bên cạnh tác động về mặt kinh tế, qua việc được thụ hưởng chính sách giãn hoãn thuế từ Nghị định của Chính phủ các DN được động viên rất lớn về tình thần, điều đó thể hiện Chính phủ, các cơ quan của nhà nước đồng hành, quan tâm.
Về phía các DN cũng sẽ phải có ý thức quản lý, tài chính công khai minh bạch, hết thời hạn miễn giảm hoàn trả cho nhà nước theo yêu cầu.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng phân tích tác động của việc Chính phủ có đề xuất với Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% trong một số khoảng thời gian nhất định là động thái mà nền kinh tế và DN rất mong đợi, dù mức độ tác động có thể hẹp hơn việc giãn hoãn thuế.
Việc giảm thuế VAT có tác động tới các DN và nền kinh tế ở 2 giác độ:
Thứ nhất là việc giảm thuế VAT lần này giúp DN giảm 2% thuế VAT các chi phí DN mua vào phụ tùng, thiết bị, nguyên vật liệu …phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào tạo điều kiện đã giảm giá hàng hoá đầu ra, giúp DN tiết kiệm chi phí hơn.
Thứ hai, đối với DN bán hàng có thuế VAT 10% giảm xuống 8%, mang lại lợi ích người tiêu dùng tích cực, chủ động hơn trong việc mua hàng, từ đó, chi tiêu rộng rãi hơn. Các mặt hàng có thuế suất VAT 10% có tỉ trọng khá lớn, do đó, việc này có tác động như một biện pháp kích cầu tiêu dùng vì hàng hoá dễ bán hơn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, nhìn dưới góc độ vĩ mô, việc Chính phủ hỗ trợ giảm thuế VAT sẽ kích thích chi tiêu nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hơn nữa, việc giảm giá hàng hoá sẽ giảm sức ép lạm phát, làm cho VNĐ có sức mạnh hơn, từ đó góp phần ổn định giá trị đồng tiền so với các đồng tiền quốc tế, đặc biệt là USD.
Việc tỉ giá ổn định cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thu hút FDI và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bảo đảm các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế quốc dân.
Cần hướng dẫn cụ thể, đơn giản hoá để chính sách đi vào cuộc sống
Với việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình Chính phủ sẽ giảm thuế VAT 2%, tổng số tiền giãn, hoãn thuế, lệ phí năm 2023 được tính toán dự kiến lên tới trên 198.000 tỷ đồng.
Đánh giá cao những tác động tích cực, tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quan trọng là quá trình thực thi cần triển khai tốt để các chính sách hỗ trợ về thuế thật sự đi vào cuộc sống.
Với chính sách giãn hoãn thuế, Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai trong thời gian trước, với những hướng dẫn thủ tục hành chính đầy đủ. Việc cần làm hiên tại là tiếp tục rà soát đơn giản hoá các thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho các DN thuộc đối tượng thụ hưởng thực hiện thuận lợi nhất.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng ngành thuế nên phát huy thế mạnh công nghệ, nhất là việc quản lý các hồ sơ, đề nghị gia hạn thuế, áp dụng các hình thức quản lý theo công nghệ 4.0, thúc đẩy kinh tế số, giúp các DN giảm chi phí, hỗ trợ, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng, dễ thực hiện.
Còn chính sách giảm VAT 10% xuống 8%, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn cho rằng, thời gian gian đầu thực hiện lần trước còn nảy sinh vướng mắc do nhiều mặt hàng có các mức thuế suất khác nhau, việc phân loại, áp dụng, khiến các DN, hộ kinh doanh còn lúng túng.
Do đó, trong lần triển khai này, cần có các hướng dẫn cụ thể, trong đó, các cơ quan thực thi như ngành thuế cần hướng dẫn cụ thể các phương thức phân loại, tính thuế thanh toán miễn giảm thuế, để DN, hộ kinh doanh dễ áp dụng bảo đảm chính sách công bằng minh bạch…
Huy Thắng
Báo Chính phủ
|