Alibaba cắt giảm 7% nhân lực mảng điện toán đám mây để tăng tốc IPO
Alibaba đang cắt giảm 7% lực lượng lao động trong công ty điện toán đám mây, một nỗ lực nhằm đẩy mạnh kế hoạch IPO cho mảng này.
Thông tin trên được một nguồn thạo tin xác nhận với CNBC. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử này sẽ cung cấp các gói thôi việc cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải. Alibaba đã bắt đầu thông báo cho nhân viên về việc sa thải và đang giúp họ chuyển sang các vị trí khác trong nội bộ nếu họ muốn, nguồn tin giấu tên trên cho hay.
Thông tin được đưa ra sau khi Alibaba công bố kế hoạch tái cấu trúc lịch sử vào tháng 3 nhằm chia tập đoàn thành 6 công ty với ban điều hành và ban giám đốc riêng.
Tuần trước, Alibaba đã công bố kế hoạch chia tách hoàn toàn bộ phận điện toán đám mây, cũng như dự định đưa nó trở thành một công ty niêm yết độc lập. Alibaba đặt mục tiêu hoàn thành việc tách ra trong vòng 12 tháng tới.
Giám đốc điều hành của Alibaba, Daniel Zhang, từ lâu đã coi điện toán đám mây là trụ cột quan trọng trong tương lai của “gã khổng lồ” thương mại điện tử này, song nó hiện chỉ chiếm 9% tổng doanh thu của cả tập đoàn. Doanh thu đã chậm lại đáng kể trong vài quý vừa qua, trong quý đầu năm nay, doanh thu đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Zhang cho biết điều này một phần là do tập đoàn chủ động điều chỉnh cơ cấu doanh thu và tập trung vào tăng trưởng chất lượng cao, đồng thời cũng là kết quả của những thay đổi của môi trường bên ngoài và thành phần khách hàng.
Chủ sở hữu của TikTok, ByteDance, đã bắt đầu chuyển các hoạt động quốc tế của mình ra khỏi đám mây của Alibaba, và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của tập đoàn.
Tuy nhiên, Alibaba đã đạt được một số bước tiến với hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của mình trong vài năm qua. Đây là công ty chiếm thị phần điện toán đám mây lớn nhất ở Trung Quốc và số hai ở châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Amazon, theo Synergy Research Group. Tuy nhiên, ở cấp độ toàn cầu, nó vẫn theo sau những “gã khổng lồ” như Amazon, Microsoft và Google.
Kim Dung (Theo CNBC)
FILI
|