Thứ Tư, 19/04/2023 11:59

Thị trường gạo toàn cầu sắp lâm vào cảnh thiếu hụt nhất trong 20 năm

Từ Trung Quốc đến Mỹ và Liên minh châu Âu, sản lượng gạo đang giảm mạnh. Điều này đã đẩy giá gạo lên cao và tác động tới hơn 3.5 tỷ người trên toàn cầu, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – nơi tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới .

Theo Fitch Solutions, thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023.

Tình trạng thiếu hụt tới mức này với một trong những loại ngũ cốc được trồng nhiều nhất trên thế giới sẽ gây tổn hại cho các nhà nhập khẩu, theo các chuyên viên phân tích. 

Charles Hart, Chuyên viên phân tích hàng hóa của Fitch Solutions, cho biết: “Ở cấp độ toàn cầu, tác động rõ ràng nhất của tình trạng thiếu gạo toàn cầu là giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ”.

Giá gạo dự kiến ​​sẽ duy trì quanh mức cao hiện tại cho đến năm 2024, theo báo cáo của Fitch Solutions Country Risk & Industry Research công bố vào ngày 04/04. Giá gạo trung bình dự kiến duy trì ở mức 17.3 USD/cwt cho đến năm 2023 và sẽ chỉ giảm xuống còn 14,5 USD/cwt vào năm 2024. Cwt là một đơn vị đo lường cho một số mặt hàng như gạo, 1 cwt tương đương 45.4 kg.

“Do gạo là loại lương thực chính ở nhiều thị tường châu Á nên giá mặt hàng này là yếu tố quyết định đến lạm phát  giá lương thực và an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo nhất”, Hart nhận định. 

Theo dự báo của Fitch Solutions, trong niên vụ 2022/2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8.7 triệu tấn gạo. Đây sẽ là mức thiếu hụt gạo lớn nhất kể từ niên vụ 2003/2004, tại thời điểm đó thị trường thiếu 18.6 triệu tấn, Hart cho biết.

Nguồn cung giảm mạnh

Nguồn cung gạo bị thiếu hụt một phần là do căng thẳng Nga - Ukraine, cũng như thời tiết xấu ở các quốc gia sản xuất lúa  gạo lớn như Trung Quốc và Pakistan.

Trong nửa cuối năm 2022, nhiều vùng đất nông nghiệp ở nước sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mưa lớn vào mùa hè . 

Theo công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence, lượng mưa tích lũy ở tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông (hai trung tâm sản xuất gạo ở Trung Quốc) ở mức cao thứ hai trong ít nhất 20 năm qua.

Tương tự, Pakistan – vốn đóng góp 7.6% vào thương mại gạo toàn cầu – ghi nhận ​​sản lượng năm 2022 giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái do lũ lụt nghiêm trọng vào năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Cơ quan này cho rằng tác động “thậm chí còn tệ hơn dự báo”.

Tình trạng thiếu hụt một phần là vì thời tiết không thuận lợi ở Trung Quốc và Pakistan, ông Hart chỉ ra.

Theo một nghiên cứu khoa học, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời kỳ El Nino.

Bên cạnh đó, gạo còn là một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn sau khi giá của các loại ngũ cốc chính khác tăng vọt kể từ khi Nga xung đột với Ukraine, ông Hart cho biết thêm. Điều này khiến nhu cầu gạo tăng vọt.

Thiếu hụt sẽ sớm chấm dứt?

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt có thể sớm kết thúc. Fitch Solutions ước tính rằng thị trường gạo toàn cầu sẽ trở lại “trạng thái gần cân bằng vào niên vụ 2023-2024”.

Điều đó có thể dẫn đến hợp đồng gạo tương lai giảm so với cùng kỳ năm ngoái xuống dưới mức năm 2022, nhưng vẫn “duy trì ở mức cao hơn 30% so với giá trị trung bình trước COVID-19 (2015-2019), một phần do hàng tồn kho được bổ sung sau giai đoạn dài bị rút bớt”. 

“Chúng tôi tin rằng thị trường gạo sẽ thặng dư trở lại vào năm 2024-2025 và sau đó tiếp tục nới lỏng trong trung hạn.”

Fitch dự đoán thêm rằng giá gạo có thể giảm gần 10% xuống còn 15.5 USD/cwt vào năm 2024.

“Theo quan điểm của chúng tôi, sản lượng gạo toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023-2024, với kỳ vọng tổng sản lượng sẽ tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước đó,” Fitch dự báo, đồng thời cho rằng Ấn Độ là động lực chính của sản lượng gạo toàn cầu trong hơn 5 năm tới.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo vẫn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo lượng mưa nước này trong năm nay bình thường, nhưng các dự báo về đợt nắng nóng gay gắt trong quý 2 và 3 tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với vụ thu hoạch lúa mì của Ấn Độ, theo báo cáo của Fitch Solutions.

Các quốc gia khác cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Goughary cho biết: “Trung Quốc là nước sản xuất gạo và lúa mì lớn nhất thế giới và hiện đang trải qua đợt hạn hán ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ”.

Bà cho biết thêm, các nước trồng lúa lớn ở châu Âu như Pháp, Đức và Anh cũng phải hứng chịu đợt hạn hán ở mức cao nhất trong 20 năm qua.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỉ đồng vì kháng sinh (18/04/2023)

>   Tổng Giám đốc Minh Phú (MPC): Giá tôm Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và gấp đôi Ecuador (17/04/2023)

>   Philippines muốn nhập thêm 330.000 tấn gạo (16/04/2023)

>   Giá hàng hóa, dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trở lại (15/04/2023)

>   Giá phân bón giảm thấp nhất trong 2 năm qua (13/04/2023)

>   Trung Quốc, Philippines ồ ạt mua gạo Việt Nam (11/04/2023)

>   Nâng cao vị thế cho nông dân (10/04/2023)

>   "Vua mía đường" Đặng Văn Thành góp ý về xây dựng thương hiệu nông sản Việt (07/04/2023)

>   Xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 ước đạt trên 1.8 tỷ USD (05/04/2023)

>   Tương lai mờ mịt cho ngành mía đường miền Tây (05/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật