"Vua mía đường" Đặng Văn Thành góp ý về xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Theo doanh nhân Đặng Văn Thành, để xây dựng thương hiệu nông sản cần phải có quá trình, không được ăn xổi ở thì và cần xây dựng ở các cấp độ
Ngày 6-4, chia sẻ tại tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức ở TP HCM, Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt – Đặng Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công – TTC Group, người được mệnh danh là "vua mía đường"), cho rằng Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng nên trồng được nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao như: gạo ST25, vải thiều, dừa, xoài, thanh long,… nhưng chủ yếu xuất khẩu thô, dạng chế biến sâu còn ít chưa xây dựng được thương hiệu.
Ông Đặng Văn Thành phát biểu tại tọa đàm sáng 6-4
|
Lấy dẫn chứng về ngành mía đường, ông Thành kể khi Việt Nam gia nhập ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) nhiều người rất lo lắng. "Nhưng đến giờ này TTC Group tự hào là đại diện của ngành mía đường Việt Nam, xuất khẩu được nhiều sản phẩm đặc trưng. Chúng ta phải vượt qua khó khăn bằng tinh thần doanh nông, không bó tay mà cần tìm ra cách hóa giải khó khăn. Chúng tôi vừa kiến nghị Bộ Công Thương chỉ cho nhập khẩu đường thô về chế biến sâu, mang lại công ăn việc làm; hạn chế nhập khẩu đường tinh" – ông Thành nói.
Ngoài mía đường, TTC Group đã xây dựng nhà máy chế biến nước dừa lớn nhất Việt Nam, trong đó 90% là xuất khẩu. Trong khi trước đây nước dừa Bến Tre chỉ chế biến thành nước màu, giá trị thấp. "Đồng nghiệp Malaysia khen nước dừa Cocoxim (sản phẩm của Betrimex, thành viên TTC Group) "lạ, hậu vị ngọt thanh" - ông Đặng Văn Thành nói và kể thêm: "Vừa rồi, chúng tôi làm thêm sản phẩm sữa dừa phục vụ cộng đồng hồi giáo không dùng sữa động vật được thị trường ưa chuộng. Để làm được điều này thì doanh nhân phải vượt qua tự ti và không đổ thừa".
Theo doanh nhân Đặng Văn Thành, để xây dựng thương hiệu nông sản cần phải có quá trình, không được ăn xổi ở thì và cần xây dựng ở các cấp độ: thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp siêu nhỏ có thể làm vệ tinh cho những thương hiệu lớn.
"Khi có thương hiệu rồi thì sản phẩm sẽ thành tặng phẩm, mà tặng phẩm thì không có giá. Ví dụ, cũng 1 cái áo đó, cùng chất lượng, cùng kiểu may nhưng hàng chợ 20.000 đồng trong khi sản phẩm thương hiệu có thể bán được 100.000 đồng. Chưa kể, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh sẽ thu hút được nhà đầu tư, được định giá cao" – Chủ tịch TTC Group bày tỏ.
Ông Trần Bảo Minh phát biểu tại sự kiện
|
Còn theo ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood, để xây dựng thương hiệu nông sản cần đầu tư chế biến sâu để tăng lợi nhuận. Ông Minh dẫn chứng trường hợp nhân sâm Hàn Quốc được đầu tư khoa học công nghệ để chế biến từ nguyên liệu ít tiền được rất nhiều sản phẩm dùng ngay, giá cao gấp chục lần.
"Tour du lịch Hàn Quốc thì rẻ nhưng hầu như ai cũng mua nhân sâm về. Họ còn đầu tư vào phim ảnh để lan tỏa văn hóa Hàn Quốc, kích thích nhu cầu tiêu dùng" – ông Minh chia sẻ.
Còn ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, chia sẻ về việc xây dựng thành công thương hiệu cà phê Blue Sơn La giúp nông dân trồng cà phê arabica ở đây có hàng trăm tỉ đồng gửi tiết kiệm.
Phúc Sinh Group đã xây dựng nhà máy chế biến cà phê Blue Sơn La ngay tại vùng nguyên liệu chỉ trong 8 tháng.
"Nhờ có thương hiệu cà phê Blue Sơn La, giá cà phê tươi ở đây từ 6.500 đồng/kg đã có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, sản xuất được khoảng 400.000 tấn. Giá bán cà phê arabica của Sơn La cũng cao hơn rất nhiều các loại cà phê nội địa của Việt Nam" – ông Thông nhấn mạnh.
Tin- ảnh: Ngọc Ánh
Người lao động
|