Thứ Năm, 13/04/2023 10:06

Giá phân bón giảm thấp nhất trong 2 năm qua

Nếu lấy mốc đỉnh điểm hồi năm ngoái, hiện nay giá phân bón đã bắt đầu giảm đến 30 - 50% tùy loại, mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Điều này giúp nông dân tích cực sản xuất trở lại sau quãng thời gian oằn mình thua lỗ vì giá phân bón tăng phi mã.

Theo khảo sát của Tiền Phong, ngày 12/4, giá NPK Phú Mỹ tại miền Bắc giao dịch khoảng 16.500-16.900 đồng/kg, NPK Việt Nhật từ 16.300-16.700 đồng/kg (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10-15%.

Kali bột Cà Mau giao dịch 13.900 - 14.300 đồng/kg, Kali bột Phú Mỹ 13.900-14.300 đồng/kg, giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó, phân Urê giảm khá mạnh với mức giảm từ 30-50%. Hiện, phân Urê Phú Mỹ giao dịch từ 10.700-11.7000 đồng/kg, Urê Hà Bắc từ 10.700-11.700 đồng/kg (giảm 3.600 - 4.000 đồng/kg so với hồi đầu năm).

Trên thị trường thế giới, giá Urê liên tục giảm mạnh xuống 307,5 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.

Sau hơn 2 năm tăng phi mã, giá phân bón hạ nhiệt giúp nông dân thở phào.

So với thời điểm cuối năm ngoái, khi giá phân bón bắt đầu hạ nhiệt từ 15-20%, hiện giá phân bón đã bắt đầu giảm đến 30 - 50% tùy loại. Điều này giúp nông dân thở phào nhẹ nhõm khi giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào.

Anh Trần Văn Tiến (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết, gia đình anh có 1 mẫu ruộng trồng lúa. Năm ngoái, giá phân bón tăng cao khiến chi phí đội lên gần gấp đôi, ước tính khoảng 2,2 triệu đồng mỗi vụ. "Gia đình làm cật lực không đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu nên đã bỏ ruộng một thời gian để đi làm công nhân. Năm nay giá phân bón giảm nhiệt nên gia đình đang lên kế hoạch sản xuất trở lại", anh Tiến nói.

Cũng từng phải bỏ trống vườn cây ăn quả do áp lực từ giá phân bón, gia đình anh Lê Văn Hùng (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đang chuẩn bị giống, cây để tăng diện tích trở lại.

Theo anh Hùng, trước đây trung bình với cây ăn quả, lượng phân bón sử dụng từ 3,5 đến 4 tạ/sào/năm. Năm 2022, khi giá phân bón lập mốc lịch sử, chỉ riêng chi phí phân bón, gia đình anh đã mất khoảng 4 triệu đồng/sào/năm, cao hơn gần 2 lần so với thời điểm năm 2020 trở về trước.

"Hiện giá phân bón còn mức cao so với trước dịch COVID-19, nhưng cũng đỡ áp lực hơn trước. Bây giờ chỉ mong sau giá phân bón ổn định ở mức này để bà con yên tâm sản xuất", anh Hùng chia sẻ.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón thường tỷ lệ thuận với giá dầu khí thế giới. Tuy nhiên, từ quý 4/2022 giá dầu không tăng nên giá các loại phân bón liên tục giảm mạnh, đặc biệt là phân Urê.

Đặc biệt, thời gian qua, việc giá phân bón trong nước và thế giới tăng quá cao đã vượt ngưỡng chịu đựng của người nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Nhiều hộ dân phải bỏ ruộng, vườn, cắt giảm sản xuất dẫn tới nhu cầu tiêu thụ nội địa ở mức khá thấp.

"Hiện, giá các loại phân bón đã giảm khá mạnh nhưng nhu cầu tiêu thụ chưa nhích nên tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Vào giữa tháng 4, khi vào mùa mưa là giai đoạn cao điểm tiêu thụ phân bón trong năm, hi vọng sức tiêu thụ phân bón của bà con sẽ khởi sắc trở lại", đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam cho hay.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 278.000 tấn phân bón các loại, đạt giá trị 129 triệu USD, giá trung bình 463,5 USD/tấn, giảm 21% về khối lượng, giảm 46,6% về kim ngạch và giảm 32,4% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022. Phân bón của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia và Myanmar…

Xuân Phong

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Trung Quốc, Philippines ồ ạt mua gạo Việt Nam (11/04/2023)

>   Nâng cao vị thế cho nông dân (10/04/2023)

>   "Vua mía đường" Đặng Văn Thành góp ý về xây dựng thương hiệu nông sản Việt (07/04/2023)

>   Xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 ước đạt trên 1.8 tỷ USD (05/04/2023)

>   Tương lai mờ mịt cho ngành mía đường miền Tây (05/04/2023)

>   Mã vùng trồng quá ít, lo sầu riêng bị 'thắt cổ chai' (03/04/2023)

>   Nguyên nhân xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 14,4% trong Quý I/2023 (31/03/2023)

>   Dự báo ngành mía đường phục hồi trong năm 2023 (29/03/2023)

>   Indonesia nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, Bộ Công Thương ra khuyến cáo (29/03/2023)

>   Xuất khẩu cá tra giảm 38% trong 2 tháng đầu năm (28/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật