Chủ Nhật, 23/04/2023 08:00

Gió đưa bụi chuối sau hè…

Từ xưa, ông cha ta đã theo nguyên tắc phong thủy “trước cau, sau chuối” (trước nhà thì trồng cau, sau nhà trồng chuối). Cây cau trồng trước nhà, ven lối ngõ kiêu hãnh vươn cao; cùng với cây tre, cây cau được cho là cứng cáp, dũng mãnh như người đàn ông. Còn cây chuối thường được trồng sau hè (chái nhà) khiêm nhường, nhẫn nhịn làm ta liên tưởng đến hình ảnh người mẹ, người chị ở làng quê quanh năm tần tảo, chịu thương chịu khó. Ca dao có câu: “Gió đưa bụi chuối sau hè…”; rồi còn nữa: “Gió đưa bụi chuối te tàu/ Chàng Nam thiếp Bắc làm giàu ai ăn”.

Chuối là cây trồng thân thuộc ở làng quê. Sau hè nhà, quanh chuồng heo, chuồng bò được trồng các loại chuối: chuối sứ, chuối đá, chuối mật mốc, chuối tiêu, chuối lùn… Được trồng nhiều là chuối mật mốc, chuối sứ vì các loại chuối này khi quả chín bán có giá, thân chuối được xắt mỏng làm thức ăn cho heo. Trẻ em nông thôn có những trò chơi thú vị từ chuối. Này nhé, bạn có thể lấy cọng lá chuối cắt thành khẩu súng trường, phía trên tỉa năm bảy lá, gỡ lên, dùng tay phải vuốt từ sau ra trước, bạn sẽ có khẩu súng nổ liên thanh. Cần tập võ, thân chuối sẽ là đối thủ mềm mại và chiều ý để bạn tha hồ đấm đá. Bạn cần đá bóng? Dùng một ít lá chuối khô vo tròn lại, lấy dây chuối buộc thành trái bóng. Hãy dùng dây chuối khô nhúng trong nước vài phút, tước nhỏ để bện thành trái bóng tròn, đá trái bóng này cũng “phê” không kém gì bóng da. Trong khi chơi đùa chớ đừng để mủ chuối dính áo, nhất là áo trắng đi học, vì vướng phải mủ chuối rất khó giặt sạch, khóc dở chết dở.

Mùa xuân, đất trời mát dịu cho cây chuối tốt tươi. Mưa xuân làm những lộc non hé mở, lay động lòng người. “Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem” (Nguyễn Trãi). Mưa xuân làm những chồi lá chuối non vươn cao, nõn nà như bức thư tình còn phong kín đang chờ gió xuân chạm đến để hé mở.

Rồi mùa hè đến, những trận gió Lào khô khan bỏng rát, bụi chuối xác xơ, khô khốc. Đêm trăng, gió nam thổi rườn rượt trên mái nhà, tàu lá chuối khô va vào mái tôn nghe xào xạc, xốn xang trong giấc ngủ. Cây chuối vẫn oằn mình chịu đựng. Bạn đi học đường xa, cha đi làm ruộng tối mới về, mẹ sẽ gói cho gói cơm bọc trong lá chuối. Cơm nóng, được bọc trong lá chuối, trưa mang ra ăn với ruốc rang sả sẽ cho bạn hương vị ngọt bùi để cả đời không quên nổi. Ngày Tết đến, trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu nải chuối. Nem, chả, bánh tét, bánh ú đều mát rượi màu lá chuối xanh. Những mâm cỗ việc làng, ngày giỗ chạp được lót bằng một tàu chuối xanh bên dưới xôi, thịt luộc, chuối chát, khế bên trên, còn bắp chuối sẽ là loại “rau sống” tuyệt vời. Bắp chuối còn được xắt mỏng nấu canh với cá lóc, cá dét hoặc đem bóp thấu (có nơi gọi là món nộm) với đậu phụng, da heo thì trở thành món cao lương mỹ vị.

Tháng mười, mùa lũ lụt đến. Lụt ở Quảng Trị, nhiều năm có nước nguồn đổ về thì lút cả làng. Thân chuối non được thái ra rồi luộc chấm với nước ruốc để chống đói qua ngày, hay được ngâm với nước muối làm dưa để cả nhà ăn dần. Lụt lội ngập tràn thôn xóm, cây chuối được làm bè cứu nạn. Sau mỗi trận bom, giặc giã, sau những trận bão lụt kinh hoàng, làng xóm tan hoang, cây chuối sau khi làm nhiệm vụ che chắn cho bà con sẽ chết sau cùng vì thân chuối nhiều nước và cây sẽ mọc lên nhanh nhất để che mát và cứu đói dân làng.

Cây chuối, từ khi sinh ra chỉ sinh nở đúng một buồng duy nhất, rồi chết. Trong quá trình nuôi buồng quả, cây chuối mẹ sẽ chắt lọc phần tinh túy nhất, chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá để dồn cho vô số quả được chín, đem đến cho đời những trái ngọt hương cây. Thân chuối già rục xuống vẫn còn được làm phân bón cho những cây chuối con tiếp tục lớn lên.

Ca dao có câu:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Chuối ba hương cùng họ với chuối lùn nhưng cây nhỏ và thấp hơn, được trồng ở các vùng đất phù sa biền bãi. Trái chuối ba hương nhỏ, khi chín thì vỏ có lấm tấm tàn hương nhưng ăn lại ngon, ngọt và thơm, để được lâu ngày không nẫu, không mềm nhũn. Chuối ba hương tượng trưng cho các bà mẹ già, tóc đã bạc, da đã mồi…

Đất nước ta trải hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm và chống đỡ liên miên với thiên tai địch họa, vì vậy luôn đề cao sự dũng mãnh, kiên cường của cây tre. Điều đó không có gì lạ. Còn tôi, tôi lại nghĩ, nếu thiếu cây chuối trên đất nước mình thì nền văn hóa, phong tục và nếp nghĩ của người dân Việt sẽ có khác đi; bởi biết đâu cái tâm tính hiền hòa, nhân ái, lòng chịu thương chịu khó của người Việt lại không bắt đầu từ cây chuối, từ mẹ? Ở mỗi căn nhà của làng quê Việt, “thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm” (Tô Thùy Yên). Bụi chuối hay là mẹ ta bao đêm ngồi thềm nhà với cây đèn dầu hỏa, mong ngóng những đứa con đi làm ăn xa ngái trở về?

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Những điểm cần làm rõ về giá điện (17/04/2023)

>   Vé máy bay cao ngất ngưởng, chục nghìn tour giảm giá cầm chừng (14/04/2023)

>   Giới siêu giàu Hàn Quốc từ bỏ bất động sản để nắm giữ tiền mặt (13/04/2023)

>   Áp giá sàn vé bay, ai lợi, ai thiệt? (12/04/2023)

>   Cần thận trọng khi áp giá sàn vé máy bay (10/04/2023)

>   Hãng taxi xanh GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố ngày hoạt động  (08/04/2023)

>   Chặn dòng tiền vào các nền tảng xấu, độc hại (07/04/2023)

>   Yêu cầu các hãng bay không bán vé nội địa vượt giá trần quy định (05/04/2023)

>   Laptop giảm giá kịch sàn vẫn ế (03/04/2023)

>   Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 1/2023 là 7.9 triệu đồng/tháng (31/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật