Thứ Hai, 17/04/2023 13:09

Những điểm cần làm rõ về giá điện

Tăng giá điện đã là việc không thể tránh khỏi. Phát biểu bên lề họp báo của Chính phủ ngày 1-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng “giá đầu vào sản xuất điện tăng nên cần điều chỉnh giá bán lẻ nhưng tăng ở mức nào thì phải rà soát”. Tuy nhiên, có một số điểm về giá điện cần được nghiên cứu để làm rõ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ do cơ chế, năng lực quản lý hay chỉ đơn thuần là chi phí đầu vào tăng cao. Chỉ khi làm rõ được điều này thì việc điều chỉnh giá điện mới có thể bảo đảm công bằng.

Đầu tiên là về cơ chế giá bán lẻ điện. Theo EVN, giá thành sản xuất điện năm 2022 đã cao hơn giá bán lẻ bình quân 167,82 đồng/kWh. Tuy nhiên, do EVN đang áp dụng cơ chế giá bán lẻ điện khác nhau cho những nhóm khách hàng khác nhau, nên không phải khách hàng nào cũng đang được cung cấp điện với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Vì vậy, khi điều chỉnh biểu giá bán lẻ cần xem xét tới yếu tố này để có mức tăng phù hợp cho từng nhóm khách hàng, thay vì điều chỉnh dựa theo mức giá bán lẻ bình quân.

Vấn đề thứ hai là chính sách xã hội thực hiện thông qua giá điện. Như chúng ta đã biết, từ lâu nay Việt Nam vẫn áp dụng giá điện thấp ở hai bậc đầu tiên trong khung giá điện sinh hoạt. Đây được xem như chính sách xã hội để trợ giúp người nghèo cùng với chính sách bù giá và chương trình đầu tư để cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa – những khu vực có mật độ dân cư thưa thớt. Điều đáng nói là các chính sách này được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, nhưng mọi chi phí đều được tính vào giá thành sản xuất và phân bổ cho các nhóm khách hàng khác, còn gọi là bù chéo. Sẽ là hợp lý hơn nếu tách các chính sách xã hội ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN; và chi phí cho hoạt động này nên do ngân sách nhà nước chi trả.

Thứ ba là vấn đề nội tại của EVN cũng như trong quan hệ với các đối tác. Năm 2022 EVN bị lỗ tới 26.236 tỉ đồng, do chi phí của khâu phát điện tăng tới 72.855 tỉ đồng so với năm trước đó. Vấn đề ở đây là cùng khâu phát điện nhưng các doanh nghiệp không thuộc EVN lại có kết quả kinh doanh rất khác. Căn cứ vào thông tin công bố của các doanh nghiệp sản xuất điện có niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy hầu như không ai thua lỗ, dù đó là công ty nhiệt điện than và khí – những nhiên liệu có giá tăng rất mạnh. Trong khi đó, EVN với lợi thế nắm trong tay năng lực thủy điện rất lớn, hầu như không bị tác động bởi việc tăng giá than, khí và dầu, lại thua lỗ nặng như vậy. Đây có phải do EVN quản lý kém hiệu quả hơn? hay đang ở thế yếu khi đàm phán hợp đồng mua điện của các nhà cung cấp khác?

Ngoài ra, cũng cần làm rõ khoản lỗ của EVN là lỗ thực hay lỗ trên sổ sách, vì nhiều nhà máy điện lớn của EVN về nguyên tắc đã hết khấu hao, nhưng thực tế vẫn tiếp tục được tính khấu hao vào giá thành.

Giá điện có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, vì vậy việc điều chỉnh giá cần được cân nhắc hợp lý để sự phát triển của ngành điện thực sự là vì lợi ích chung, chứ không phải trở thành gánh nặng cho các ngành và lĩnh vực khác.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vé máy bay cao ngất ngưởng, chục nghìn tour giảm giá cầm chừng (14/04/2023)

>   Giới siêu giàu Hàn Quốc từ bỏ bất động sản để nắm giữ tiền mặt (13/04/2023)

>   Áp giá sàn vé bay, ai lợi, ai thiệt? (12/04/2023)

>   Cần thận trọng khi áp giá sàn vé máy bay (10/04/2023)

>   Hãng taxi xanh GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố ngày hoạt động  (08/04/2023)

>   Chặn dòng tiền vào các nền tảng xấu, độc hại (07/04/2023)

>   Yêu cầu các hãng bay không bán vé nội địa vượt giá trần quy định (05/04/2023)

>   Laptop giảm giá kịch sàn vẫn ế (03/04/2023)

>   Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 1/2023 là 7.9 triệu đồng/tháng (31/03/2023)

>   Hà Nội cùng với Quảng Ninh và TP.HCM là 3 địa phương có chi phí sống đắt đỏ nhất (30/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật