Cần thận trọng khi áp giá sàn vé máy bay
Hiện nay có vé máy bay giá 0 đồng nhưng khách hàng cũng phải trả thuế, phí khoảng 600.000 đồng/vé.
Mới đây, một đại biểu Quốc hội đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này sẽ tác động rất lớn đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân và sự phục hồi của ngành du lịch, nền kinh tế, cũng như hạn chế nhu cầu đi lại của người dân bằng máy bay.
Áp giá sàn, vé máy bay sẽ tăng vọt
Các đại lý vé máy bay cho rằng để cạnh tranh với các hãng hàng không truyền thống, các hãng bay giá rẻ thường tung ra các gói vé tiết kiệm vào các dịp để thu hút khách. Điều này có lợi cho khách hàng nhưng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng bay.
Thực tế giá vé trên mạng bay nội địa giữa các hãng bay hiện khoảng cách không lớn. Các hãng chẻ ra 16-23 mức giá, tùy đường bay sẽ phân bổ giá cả linh hoạt.
Anh Nguyễn Hoàng, chủ một đại lý vé máy bay tại TP.HCM, đánh giá mỗi hãng hàng không đều có định vị thương hiệu, tiếp cận khách hàng khác nhau kể từ lúc lập hãng bay. Các hãng hàng không giá rẻ cắt giảm tối thiểu các dịch vụ không cần thiết trên chuyến bay (không được cung cấp các bữa ăn, hành lý ký gửi) trong quá trình bay để giảm chi phí trên tổng giá vé.
Ngược lại, các hãng hàng không truyền thống cung cấp các dịch vụ chuyến bay như hành lý ký gửi, lựa chọn chỗ ngồi, các bữa ăn trên chuyến bay nên tổng giá vé cao hơn.
Theo anh Hoàng, dù các hãng đưa vé về 0 đồng thì khách cũng phải trả thuế, phí khoảng 600.000 đồng/vé. Như vậy khi áp giá sàn, dĩ nhiên giá vé sẽ tăng lên.
Hiện phí dịch vụ sân bay và soi chiếu an ninh đã tính trong khoảng 120.000 đồng; còn lại phí quản lý hệ thống giữa các hãng ngang ngửa nhau, dao động 450.000-500.000 đồng. Vấn đề còn lại là chất lượng dịch vụ của các hãng. Hãng có dịch vụ tốt hơn sẽ thu hút khách bỏ chi phí cao hơn để đi, hãng rút gọn các dịch vụ sẽ thu hút khách tiết kiệm chi phí để đi lại.
Các chuyên gia hàng không khuyến cáo nên cân nhắc việc áp giá sàn vé máy bay. Ảnh: P.ĐIỀN
|
Có thể gây nhiều hệ lụy
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng không nên quy định giá sàn vé máy bay. Chuyên gia này phân tích: Bộ GTVT quy định giá sàn đường bay nội địa có dải giá từ 0 đồng, đồng nghĩa với việc không có giá sàn. Các hãng bay tung vé máy bay 0 đồng nhưng không đồng nghĩa là khách đi máy bay không phải mất xu nào.
Theo ông Long, việc áp giá sàn vé máy bay gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người. Trong giai đoạn khó khăn này càng cần phải duy trì mô hình giá vé rẻ để hỗ trợ người có thu nhập thấp.
“Phần lớn người dân nước ta thu nhập còn thấp. Người dân đã quen với giá vé máy bay rẻ. Áp giá sàn làm mặt bằng giá vé máy bay tăng cao, làm mất đi bao thành quả tốt đẹp của ngành hàng không, của Bộ GTVT, của Chính phủ đã gây dựng trong hàng chục năm qua…” - ông Long nói.
Ông Long cho biết trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có hai phương thức quản lý giá trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, giá trực tiếp có nghĩa là Nhà nước quy định cụ thể giá trần và giá sàn. Phương thức gián tiếp là để thị trường tự quyết định, Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát. Trường hợp có biến động giá, Nhà nước sẽ sử dụng công cụ tài chính tín dụng, thương mại tác động vào để cân bằng cung - cầu.
Đối với thị trường có tính cạnh tranh cao, Nhà nước không quy định giá trần và giá sàn mà để thị trường quyết định. Nhà nước chỉ quy định giá đối với thị trường độc quyền và thị trường có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Ông Long cho rằng hiện có sáu hãng hàng không đang hoạt động nhưng thực chất có ba hãng giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm khoảng 35%, VietJet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%. Như vậy, Nhà nước quy định giá trần để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Với doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thuộc lĩnh vực mua, tức là có ba người mua mà có hàng vạn người bán thì Nhà nước cần quy định giá sàn. Nếu không, ba doanh nghiệp mua quy định giá thấp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bán.
“Đối với thị trường có các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thuộc lĩnh vực bán (như ngành hàng không) thì chỉ quy định giá trần mà không được quy định giá sàn” - ông Long phân tích thêm.
Về ý kiến lo ngại không áp giá sàn sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Long cho rằng khi doanh nghiệp bán phá giá theo kiểu triệt hạ đối thủ đã có pháp luật về chống bán phá giá kiểm soát.
Một chuyên gia tài chính thuộc ĐH Marketing TP.HCM cũng khuyến cáo: Việc đưa giá sàn cho vé máy bay cần hết sức cân nhắc và tính toán định mức kỹ thuật hết sức chi tiết, không nên nóng vội.
Theo chuyên gia này, với đề xuất áp giá sàn, các nhà hoạch định cần tính toán kỹ định mức kỹ thuật rồi mới đưa ra giá sàn. Cần lưu ý định mức kỹ thuật của các hãng bay khác nhau nên đầu ra cũng không thể tương đồng. Trong đó có chất lượng dịch vụ tại sân bay và trên chuyến bay sẽ khác nhau.
“Như vậy, bản chất áp giá sàn là đảm bảo điểm hòa vốn nhưng nếu tính toán định mức thấp hoặc không liệt kê hết các chi phí, khấu hao tài sản, giá cả nhiên liệu, thuê máy bay, lãi suất sẽ thiệt cho các hãng. Nếu tính cao thì khách hàng sẽ phải móc hầu bao nhiều hơn cho mỗi chuyến bay” - chuyên gia này cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia, với tổng số đội bay đang khai thác, các hãng sẽ tính toán được tổng số ghế mở bán cho cả năm, từ đó sẽ phân bổ, lên kế hoạch khai thác cho các chặng bay. Trong đó, chặng bay nào hút khách sẽ mở bán nhiều hơn.
Mùa thấp điểm các hãng sẽ mở các chương trình kích cầu vé tiết kiệm, còn các dịp lễ, tết giá vé thường đẩy lên kịch khung để bù đắp mùa thấp điểm. Tính tổng thể trong năm, các hãng sẽ cân đối được tổng chi phí đầu vào để tính toán dải vé nào phù hợp cho từng giai đoạn.•
Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa
Bên cạnh đề xuất quy định giá sàn của Bộ Tài chính, Bộ GTVT đề xuất từ quý II hoặc quý III-2023 sẽ điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa. Dự kiến khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.
Trong đó, nhóm đường bay từ 1.280 km trở lên tăng mạnh nhất, tăng 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Mức tăng 6,25% và 6,67% sẽ tác động đến các đường bay như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Phú Quốc.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, thông thường chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Tuy nhiên, tại tháng 12-2022, cùng với biến động tỉ giá VND/USD, chi phí nhiên liệu của các hãng tăng hơn 80% so với tháng 9-2015, khiến tổng chi phí của doanh nghiệp tăng thêm gần 33,5%.
|
PHONG ĐIỀN VIẾT LONG
Pháp luật TPHCM
|