Thay đổi nhỏ nhưng tốn kém không nhỏ
Dù quy trình làm luật hết sức chặt chẽ, nhưng gần đây có nhiều thay đổi xảy ra từ những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt, không quan trọng làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Những “chuyện nhỏ” này khiến người dân mất thời gian, công sức và tất nhiên là cả tiền bạc để đi lại cập nhật giấy tờ.
Gần đây, Bộ Tư pháp cho biết cơ quan này đang thẩm định hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo là Bộ Công an. Chi tiết sửa đổi quan trọng được đề xuất là bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu phổ thông.
Vấn đề là thông tin “nơi sinh” vốn đã có trong mẫu hộ chiếu cũ, chỉ bị bỏ ra khi hộ chiếu mẫu mới được áp dụng từ ngày 1-7-2022. Do nhiều nước thông báo tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin “nơi sinh” của người mang hộ chiếu, giờ đây việc bổ sung “nơi sinh” lại được đặt ra thông qua việc sửa đổi luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh hiện nay.
Một chuyện “đi một vòng trở lại như cũ” khác là biển số ô tô. Bộ Công an mới đây lại đề xuất ô tô được lắp hai biển số, gồm một biển số dài và một biển số ngắn, thay vì hai biển số ngắn có kích thước giống nhau như hiện hành (theo Thông tư 58 năm 2020). Đề xuất này thực chất là quay trở lại với các quy định đã có trước đó trong Thông tư 15 ban hành năm 2014 quy định ô tô có hai biển số, gồm một biển số dài và một biển số ngắn.
Trong vài chục năm qua, kết cấu vị trí gắn biển số trên ô tô không thay đổi đáng kể nên việc quy định quá chi tiết về loại biển số có lẽ chưa thật sự khoa học. Tại sao không áp dụng quy định có hai loại kích thước biển số là “ngắn” và “dài”? Tùy theo kết cấu mà chủ xe đăng ký để ngành công an cấp một biển ngắn với một biển dài hay cả hai biển đều là loại ngắn hoặc cả hai biển đều là loại dài.
Trên thực tế, cũng vì kết cấu xe nên một số chủ xe đã phải xin để được gắn cả hai biển số đều là loại ngắn hoặc đều là loại dài và phải chịu thêm chi phí cho biển số phát sinh này. Từ thực tế này, thay vì loay hoay sửa quy định “khi ngắn khi dài” rồi lại phải tìm cách thay đổi, tại sao cơ quan chức năng không nghĩ ra công thức tổng quát để áp dụng cho mọi trường hợp?
Một loại giấy tùy thân cực kỳ quan trọng khác là căn cước công dân (CCCD) cũng đang được đề xuất sửa đổi thông tin. Sau khi đổi từ CCCD dùng thẻ từ sang loại có gắn chip không lâu thì Bộ Công an lại đề xuất chỉnh sửa tiếp như đổi “số căn cước” thành “mã số định danh” (chỉ khác tên gọi và vẫn 12 chữ số như trước đây), đổi “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh” và thông tin “nơi thường trú” được đổi thành “nơi cư trú”. Lẽ ra những thông tin này cần được nghiên cứu thay đổi ngay từ đầu chứ không phải sau khi hơn 70 triệu CCCD gắn chip đã được cấp giờ lại trở thành mẫu cũ.
Mỗi thay đổi kiểu như thông tin nơi sinh trên hộ chiếu không chỉ gây phiền phức cho người dân là còn gây tốn kém ngân sách khi phải hủy bỏ những “phôi” hộ chiếu theo mẫu cũ đã in chưa sử dụng. Tương tự, các thay đổi khác về căn cước, về biển số xe đều dẫn đến việc phải bỏ đi những “phôi” căn cước theo mẫu cũ không còn phù hợp. Việc hộ chiếu, CCCD chỉ sau một hai năm phát hành đã trở thành mẫu cũ vừa gây phiền toái, vừa gây lãng phí cho xã hội.
Theo quy trình hiện hành, trước khi ban hành luật hoặc các điều khoản sửa đổi của luật sẽ phải trải qua hai chốt chặn là Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ về các đề nghị sửa đổi các điều khoản trong luật do các bộ đề xuất. Sau quá trình thẩm định này, văn bản luật hoàn chỉnh sẽ được trình Quốc hội, cũng là chốt chặn thứ nhì, phản biện.
Mong là các chốt chặn này hoạt động chặt chẽ hơn nữa để không lập lại tình trạng “bỏ ra rồi lại đưa vào” như nơi sinh trong hộ chiếu vừa qua khiến người dân mất nhiều công sức và thời gian giải quyết các rắc rối mà ngân sách lại phát sinh thêm những khoản chi lẽ ra không có!
Mục Nhĩ
TBKTSG
|