Chính phủ đề xuất hai loại giao dịch bất động sản phải qua sàn Tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản mới nhất trình Quốc hội, Chính phủ vẫn đề xuất chủ đầu tư bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải qua sàn do lo ngại các quy định đặt cọc mua nhà đang bị một số chủ dự án lợi dụng.
Trước đó tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thẩm tra dự thảo luật đã yêu cầu Chính phủ rà soát lại quy định này để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân.
Chính phủ giữ quan điểm, các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua sàn giao dịch – Ảnh: TL |
Theo TTXVN, một trong những nội dung nhận được quan điểm trái chiều trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là quy định mua bán, cho thuê nhà ở bất động sản hình thành trong tương lai (bất động sản trên giấy) phải giao dịch qua sàn.
Tại tờ trình mới nhất ngày 26-4, Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm cần bắt buộc. Theo bản dự thảo, 2 loại giao dịch bất động sản phải qua sàn gồm chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Còn các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn.
Các quy định hiện hành không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn nhưng theo quan điểm của Chính phủ, 99% các chủ đầu tư đều bán hàng qua sàn hoặc môi giới. Các chủ đầu tư quy mô lớn còn tự tổ chức sàn giao dịch hoặc bộ phận bán hàng riêng; các quy định đặt cọc mua nhà đang bị một số chủ dự án lợi dụng.
Bên cạnh đó, các trường hợp mua bán, giao dịch trực tiếp không qua sàn giao dịch, không qua công chứng đã dẫn tới nhiều rủi ro cho người mua vì khó kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả của bất động sản. Trong đó đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo bán bất động sản không có pháp lý (dự án ma, dự án không đủ hạ tầng kỹ thuật, không được phép xây dựng) hoặc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.
Tờ trình của Chính phủ cũng đánh giá, quy định buộc giao dịch qua sàn không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay giá bán, bởi thay vì chủ đầu tư bỏ chi phí để tự tổ chức bán hàng, họ thuê sàn bất động sản thực hiện sẽ tiết kiệm chi phí, do sàn bất động sản là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp nên hiệu quả, hiệu suất cao hơn.
Từ đó, quy định buộc bán bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn sẽ tăng kiểm soát, minh bạch, bảo vệ người dân trong các giao dịch và không làm ảnh hưởng tới quyền tự do của người dân, góp phần tăng cạnh tranh giữa các sàn giao dịch. Nhà nước sẽ có công cụ quản lý thông tin, điều tiết thị trường nhanh và kịp thời khi có biến động, chống thất thu thuế, rửa tiền.
Về thanh toán trong giao dịch bất động sản, tờ trình của Chính phủ cũng đề xuất quy định chủ dự án phải mở một tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền thanh toán hợp đồng của khách hàng, cung cấp thông tin tài khoản cho khách hàng mua nhà, bảo đảm nguồn huy động của khách hàng sử dụng đúng vào mục đích phát triển dự án.
Đồng thời, chủ dự án bất động sản phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ bàn giao nhà ở cho người mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Khi người mua, thuê nhà chưa nhận được chứng thư bảo lãnh từ tổ chức tín dụng thì chủ dự án không được giải ngân số tiền đã huy động từ người mua nhà.
Thái Huy TBKTSG
|