Thứ Hai, 10/04/2023 09:00

Ẩn số nào cho PG Bank?

Thời gian gần đây, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (UPCoM: PGB) được nhắc đến nhiều khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) công bố thoái vốn, cũng như những đồn đoán về cái tên sẽ sáp nhập nhà băng này.

Chiều 21/03/2023, Petrolimex tổ chức hội thảo về cơ hội đầu tư vào PG Bank khi Tập đoàn thoái toàn bộ 120 triệu cp, tương đương với 40% vốn của Ngân hàng.

Quyết định thoái vốn của Petrolimex khỏi PG Bank để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và để các nhà đầu tư có thể sở hữu tỷ lệ cao tại một ngân hàng thương mại cổ phần.

Kế hoạch thoái vốn tại PG Bank theo yêu cầu của Nhà nước đã được Petrolimex công bố từ lâu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất.

Thực tế, Petrolimex không chỉ là cổ đông lớn mà còn là đối tác lớn khi có 2,600 trạm xăng Petrolimex chấp nhận thanh toán thẻ PG Bank, 184 công ty con và đối tác của Petrolimex cũng có hợp tác làm ăn với PG Bank...

Thương vụ thoái vốn được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai tại HOSE vào ngày 07/04/2022. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 cổ phần và nhà đầu tư phải đăng ký theo bội số của 100 cổ phần.

Giá khởi điểm chào bán là 21,300 đồng/cp (giá đầu phiên 03/04 là 22,200 đồng/cp). Ước tính ông lớn ngành xăng dầu có thể thu về tối thiểu 2,556 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.

Từ năm 2015, các kế hoạch sáp nhập PG Bank vào ngân hàng khác đã từng được thông qua, nhưng sau đó đều không thể thực hiện.

VietinBank và PG Bank là thương vụ đầu tiên như thế. Ngày 22/05/2015, Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo ký kết bộ hồ sơ sáp nhập PG Bank vào VietinBank.

Việc tái cơ cấu và sáp nhập vào VietinBank được xây dựng trên cơ sở tự nguyện. Đây được xem là kế hoạch tái cấu trúc mạnh mẽ cả về tài chính và tổ chức, sẽ đảm bảo đem lại lợi ích tốt nhất cho cả hai bên. Giao dịch sáp nhập này sẽ mang lại nhiều giá trị thặng dư, có tính ổn định lâu dài cho người gửi tiền, người lao động và cổ đông của hai ngân hàng.

Trong hai kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, 2016 của VietinBank, các cổ đông Ngân hàng đã thông qua giao dịch sáp nhập PG Bank vào VietinBank.

VietinBank cho biết, trong quá trình triển khai giao dịch sáp nhập, với mục tiêu đảm bảo tốt nhất lợi ích của VietinBank cũng như của các cổ đông, VietinBank đã cẩn trọng thực hiện soát xét tài chính và định giá PG Bank tại nhiều thời điểm. Căn cứ kết quả định giá độc lập của Deloitte, VietinBank đã thực hiện nhiều vòng đàm phán với PG Bank. Tuy nhiên, VietinBank và PG Bank đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới 2 ngân hàng không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan tới giao dịch.

Ngày 16/06/2017, PG Bank đã có công văn gửi VietinBank chính thức đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập. Đến ĐHĐCĐ thường niên của VietinBank và PG Bank năm 2018 đã thông qua tờ trình chấm dứt sáp nhập.

HDBank là đối tác tiếp theo thực hiện sáp nhập PG Bank. Theo đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2018 của HDBank và PG Bank được tổ chức cùng ngày đã thông qua đề án sáp nhập PG Bank vào HDBank.

Theo lộ trình sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay trong tháng 4/2018 và đến tháng 5 dự kiến sẽ được nhà quản lý chấp thuận. Tháng 5/2018, HDBank sẽ gửi hồ sơ chào bán cổ phần lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước và sẽ chốt danh sách thực hiện phân phối cổ phiếu để hoán đổi cổ phần vào tháng 7/2018. Đến tháng 8/2018 sẽ hoàn tất thương vụ sáp nhập.

Theo tài liệu đề án sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0.621 (1 cổ phiếu PG Bank hoán đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank). Phía PG Bank cam kết các cổ đông đồng ý toàn bộ số cổ phần theo tỷ lệ hoán đổi đã xác định sẽ bị phong tỏa và chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng và 70% còn lại được chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.

HDBank sẽ phát hành 300 triệu cp phổ thông để hoán đổi cổ phần PG Bank. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến là 12,810 tỷ đồng (HDBank 9,810 tỷ và PG Bank là 3,000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, sau đó 2 năm (tháng 6/2020), Tập đoàn Petrolimex đã có thông báo gửi HDBank về việc thoái vốn tại PG Bank nếu phương án sáp nhập không được chấp thuận trước ngày 31/08/2020.

Về phía PG Bank, nhà băng này cũng có đề nghị chấm dứt thương vụ sáp nhập với lý do thời gian kéo dài ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngân hàng. Ban lãnh đạo PG Bank đã trình cổ đông và được thông qua việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập tại phiên họp thường niên diễn ra ngày 30/03/2021.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HDBank được tổ chức vào tháng 4/2021 đã thông qua tờ trình chấm dứt sáp nhập PG Bank vào hệ thống ngân hàng sau hơn 3 năm đàm phán.

Lý do được HDBank đưa ra là dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được NHNN thông qua vào tháng 10/2018, nhưng đến tháng 04/2021, cơ quan quản lý vẫn chưa chính thức chấp thuận cho giao dịch sáp nhập giữa hai bên khiến quá trình sáp nhập bị trì hoãn và kéo dài.

Đầu năm 2021 đã xuất hiện tin đồn trên thị trường sau khi hai Phó Tổng Giám đốc  MSB sang PG Bank đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên khi đó, lãnh đạo MSB khẳng định không có chuyện ngân hàng này nhận sáp nhập PG Bank.

Cho đến gần đây nhất, tin đồn về mối lương duyên ấy lần nữa lại nổi lên. Thậm chí, những ngày cuối tháng 03/2023, đại diện MSB cho biết: "Xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu. Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. PGBank là một trong số các ngân hàng mà chúng tôi đang quan tâm".

Thông tin lãnh đạo MSB chia sẻ phù hợp với nhiều tin đồn khi nhiều nhân sự từng giữ các vị trí quan trọng tại MSB lần lượt gia nhập PG Bank.

Vào tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp từ MSB sang đầu quân cho PG Bank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc PG Bank và hiện là Tổng Giám đốc của ngân hàng này.

Trên website của PG Bank cũng thông tin, tháng 04/2021, ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB, được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT PG Bank.

Ông Oliver Schwarzhaupt, cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro của MSB, cũng được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT PG Bank từ ngày 26/4/2022.

Ông Đỗ Thành Công, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt, người vừa gia nhập PG Bank ngày 01/02/2023, từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng của MSB như: Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...

Và trong phần kế hoạch năm 2023 vừa được MSB công bố, dự kiến trình ĐHĐCĐ vào ngày 21/04 sắp tới, HĐQT cũng có tờ trình phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Việc sáp nhập mang tới hiệu quả hoạt động cao hơn cho Ngân hàng khi tận dụng được nền tảng công nghệ, nguồn lực giao dịch hay mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch… Bên cạnh việc tăng trưởng quy mô cũng như thúc đẩy nguồn vốn, Ngân hàng có thể điều tiết chi phí tổng thể hợp lý hơn khi giảm thiểu sự trùng lặp trong cơ cấu vận hành, cắt giảm chi phí quản lý và hoạt động. Nếu M&A thành công, 2 bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Tuy nhiên, trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PG Bank lại không hề có tờ trình nào về thông tin sáp nhập. Chủ tịch PG Bank mới đây cũng chia sẻ với báo chí rằng Ngân hàng chưa có kế hoạch sáp nhập.

Ngoại trừ những thương vụ sáp nhập không thành công, PG Bank có thể được xem là ngân hàng có cơ cấu cổ đông cô đặc cũng như kết quả kinh doanh không mấy nổi trội.

PG Bank được thành lập từ năm 1993 với tên Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười. Đến năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tham gia góp vốn vào Ngân hàng, trở thành hai cổ đông lớn với nhiều cam kết hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.

Đến năm 2007, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, gọi tắt là PG Bank và tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng vào năm 2012, PG Bank giữ nguyên mức vốn điều lệ cho đến nay. Cổ đông lớn duy nhất là Petrolimex sở hữu 40% cổ phần, tương đương 120 triệu cp.

Nguồn: VietstockFinance

Kết quả kinh doanh của PG Bank cũng thuộc top dưới, con số lợi nhuận trước thuế trồi sụt liên tục. Dù vậy, trong 3 năm trở lại đây (2020-2022), lợi nhuận của Ngân hàng tăng trưởng bình quân trên 50%. Riêng năm 2022, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 506 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước, cũng là mức cao nhất trong 11 năm qua.

Nguồn: VietstockFinance

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2023 của PG Bank, ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch HĐQT PG Bank cho biết: “Trong quý 1/2023, PG Bank đã đạt kết quả kinh doanh khả quan. Trong 2 tháng đầu năm, Ngân hàng có lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến trong quý 1 khoảng 150 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 530 tỷ đồng, sẽ được trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua vào ngày 25/04 tới đây.

Về kế hoạch phát triển dài hạn, PG Bank đã trải qua quá trình tái cấu trúc tương đối dài. Kể từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng không tăng vốn,  vẫn giữ nguyên 3,000 tỷ đồng và mạng lưới vẫn giữ nguyên là 79 chi nhánh. Trên cơ sở hiện tại, Petrolimex vẫn là cổ đông lớn nhất của PG Bank và đang thực hiện thoái vốn, Ngân hàng cũng đưa ra kế hoạch 5 năm (2022-2026) là không tăng vốn, không mở rộng mạng lưới và thực hiện tăng trưởng ở mức bình quân của thị trường khoảng 10-15%, phù hợp với chủ trương chung về tăng trưởng tín dụng của NHNN. Với mức tăng trưởng bình quân như thế và không tăng vốn, ước tính tổng tài sản của PG Bank đến năm 2026 đạt khoảng 58,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 830 tỷ đồng. Đây là kế hoạch trên cơ sở Petrolimex đang là cổ đông lớn.

Tuy nhiên, với thương vụ Petrolimex thoái vốn toàn bộ tại PG Bank, sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia vào PG Bank và tiếp tục phát triển PG Bank trên cơ sở Ngân hàng chưa tăng vốn và mở rộng mạng lưới. Nếu tăng vốn đi cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, chắc chắn PG Bank sẽ có bước phát triển mạnh mẽ khi còn nhiều dư địa để tăng trưởng”.

Theo thông báo trước phiên đấu giá, có 16 nhà đầu tư trong nước, trong đó 9 nhà đầu tư đăng ký mua 199.47 triệu cp PG Bank, gấp 1.6 số lượng cổ phần mà PLX đưa ra đấu giá.

Kết quả đấu giá công khai sáng ngày 07/04/2023 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thành công. Kết quả có 4 nhà đầu tư trúng giá, trong đó 3 tổ chức và 1 cá nhân. Giá trúng cao nhất là 21,500 đồng/cp, chỉ cao hơn 200 đồng/cp so với giá khởi điểm 21,300 đồng/cp. Giá trúng bình quân là 21,400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 2,568 tỷ đồng.

Như vậy, sau nhiều năm gặp trắc trở trong câu chuyện sáp nhập, PG Bank chính thức có thêm những cổ đông mới để tham gia vào hoạt động kinh doanh. Dù tên chính thức của cổ đông lớn vẫn còn là ẩn số, nhưng có thể trông đợi vào một tương lai tươi sáng hơn cho câu chuyện tái cấu trúc Ngân hàng.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   OCB: Mục tiêu lãi trước thuế 6,000 tỷ, tăng vốn điều lệ lên 20,548 tỷ đồng (07/04/2023)

>   Tips đi du lịch thông minh trong dịp lễ 30/04-01/05 này  (07/04/2023)

>   Chiến lược ngân hàng bán lẻ: Đâu là khác biệt của VPBank? (07/04/2023)

>   Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM (07/04/2023)

>   VietBank: Mục tiêu lãi trước thuế 2023 tăng 46%, tiếp tục muốn niêm yết lên HOSE (06/04/2023)

>   Saigonbank đặt mục tiêu 2023 đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (06/04/2023)

>   Sacombank đặt kế hoạch lãi trước thuế 9,500 tỷ năm 2023, tăng 50% (06/04/2023)

>   Hai thành viên HĐQT Eximbank từ nhiệm (06/04/2023)

>   TPBank: Kế hoạch lãi trước thuế 8,700 tỷ đồng, tăng 11% (06/04/2023)

>   Cổ phiếu PGB tăng vọt trước thềm đấu giá công khai (05/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật