OCB: Mục tiêu lãi trước thuế 6,000 tỷ, tăng vốn điều lệ lên 20,548 tỷ đồng
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) dự trình kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, di dời trụ sở chính trong Đại hội được tổ chức ngày 28/04.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6,000 tỷ đồng
OCB cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025.
OCB đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt 242,152 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 25% so với đầu năm. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173,087 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 tăng 20% lên 147,330 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6,000 tỷ đồng cho năm 2023, tăng 37% so với kết quả năm 2022.
OCB có hơn 7,037 tỷ đồng lợi nhuận để lại
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của OCB đạt hơn 4,389 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định hơn 2,983 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại năm 2022 của cổ đông là 2,943 tỷ đồng. Sau khi cộng 4,094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước, OCB có hơn 7,037 tỷ đồng lợi nhuận để lại.
Để phục vụ hoạt động kinh doanh, OCB sẽ sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ năm 2023.
Tăng vốn điều lệ 2023 lên 20,548 tỷ đồng
OCB cho biết với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.
OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 6,849 tỷ đồng. Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ.
Vốn điều lệ dự kiến được tăng từ 13,699 tỷ đồng lên 20,548 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nguồn: OCB
|
Với số vốn tăng thêm, OCB dự kiến mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay.
Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thay đổi địa điểm trụ sở chính
Trụ sở chính của OCB hiện đang được đặt tại số 41 (tầng trệt, lửng và tầng 1, 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT nhận thấy tòa nhà The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TPHCM đáp ứng được yêu cầu của OCB về yêu cầu đặt trụ sở chính, với vị trí tòa nhà nằm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức - là khu vực quận trung tâm đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TPHCM.
Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ di dời trụ sở chính của OCB từ số 41 và 45 Lê Duẩn, quận 1 sang The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thời gian thực hiện di dời sau khi được chấp thuận của cơ quan Nhà nước.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua số lượng thành viên HĐQT OCB là 8 thành viên. Hiện nay, HĐQT đang khuyết 1 thành viên. Để phù hợp quy mô và nhu cầu về HĐQT, HĐQT trình cổ đông thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ 8 lên 9 thành viên.
Do đó, HĐQT sẽ bầu nhân sự bổ sung vào HĐQT với các ứng viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng.
Hàn Đông
FILI
|