Thứ Hai, 06/03/2023 09:12

Ti vi, máy giặt giảm giá vẫn ế ?

Liên tục khuyến mãi giảm giá, tặng quà nhưng các cửa hàng, siêu thị điện máy trên thị trường hiện vẫn khá vắng khách.

Siêu thị điện máy vắng vẻ

Hơn 10 giờ trưa giữa tuần qua, tại cửa hàng Điện Máy Xanh (Q.7, TP.HCM), chỉ có 1 cặp vợ chồng trung niên đang đứng ở quầy gia dụng để xem nồi cơm điện. Khách hàng được các nhân viên hướng dẫn khá chi tiết về chức năng, chương trình khuyến mãi... Trong cửa hàng điện máy rộng lớn này không còn khách hàng nào khác. Sau đó khoảng 15 phút, có thêm một khách hàng khác vào xem quạt máy nhưng rồi nhanh chóng ra về vì bảo chưa chọn được.

Ế ẩm thị trường điện máy - Ảnh 1.

Lác đác vài khách xem những sản phẩm gia dụng tại một cửa hàng điện máy

Tương tự, cũng vào giờ gần trưa tại siêu thị điện máy Chợ Lớn trên đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM), có khoảng 6 - 7 khách hàng đang xem các sản phẩm. Lượng khách ít ỏi này như "lọt thỏm" giữa siêu thị rộng lớn. Hai mẹ con bà Nguyên (Q.6, TP.HCM) vừa chốt mua một chiếc máy lạnh công suất 1,5 HP có giá gần 8 triệu đồng. Bà Nguyên cho biết trước đó một ngày đã ra xem mẫu, khảo sát giá; sau khi suy nghĩ mới quay lại "chốt" mua để sử dụng khi thành phố bước vào mùa cao điểm nắng nóng. Riêng một số khách hàng đang xem ở các quầy hàng khác như lò nướng, bình lọc nước... cũng chưa có ý định xuống tiền.

Trong khi đó, siêu thị điện máy Nguyễn Kim tọa lạc tại vị trí đắc địa trên con đường Trần Hưng Đạo, Q.1 lại đang giăng dây sửa chữa. Mặc dù bên trong vẫn có nhân viên đứng ở các quầy hàng nhưng hầu như không có khách mua.

Ở các siêu thị, trung tâm điện máy lớn tại TP.HCM hầu như luôn có các chương trình khuyến mãi như giảm giá, tặng kèm phiếu mua hàng khác, ưu đãi phí vận chuyển và lắp đặt... Nhiều sản phẩm ti vi, tủ giặt được gắn bảng giảm giá đến 35 - 40% nhưng hầu như hoàn toàn vắng khách.

Ế ẩm thị trường điện máy - Ảnh 2.

Lác đác vài khách xem những sản phẩm gia dụng tại một cửa hàng điện máy

Không ngoại lệ, khu vực tập trung cửa hàng điện máy điện gia dụng trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) vốn một thời nằm san sát nhau thì nay giảm khá nhiều, còn lại vài cửa hàng và lượng khách ra vô cũng ít.

Đại diện một siêu thị điện máy than thở rằng sức mua chung đang quá thấp, ngay cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu mùa nắng nóng như máy lạnh, quạt các loại... cũng chỉ bán được lai rai mà không thể hút hàng như các năm trước khi có đại dịch Covid-19. "Nói thật là tình hình đang căng thẳng, doanh số thấp lắm. Cái này là chung của toàn ngành điện máy gia dụng chứ không riêng đơn vị nào", vị đại diện này chia sẻ.

Cắt giảm khi khó khăn

Lý giải cho việc ế khách, đại diện siêu thị điện máy nội thất Chợ Lớn cho hay, doanh số chung của các sản phẩm điện máy gia dụng hiện giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do nhiều khách hàng đang có tâm lý thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu khi kinh tế khó khăn. Một bộ phận khách hàng là những gia đình lao động, công nhân gần đây bị mất việc làm, giảm thu nhập nên đã không còn khả năng mua sắm các sản phẩm này.

Vị này phân tích, thường các gia đình sẽ đổi sản phẩm như ti vi, máy giặt... từ loại thường đến loại cao cấp sau một thời gian sử dụng mà không cần phải chờ hư hỏng. Vì vậy, khi thu nhập giảm thì việc thay đổi ti vi được xem là nhu cầu không cần thiết nên bỏ qua. Dù vậy, vị này khẳng định thị trường vẫn chưa thể gọi là bão hòa khi tỷ lệ sở hữu ti vi hay máy lạnh trên số dân của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với nhiều nước. Do đó, vẫn có cơ hội cho các thương hiệu đã có thị phần. Nhưng với các thương hiệu mới sẽ khá vất vả để gia nhập thị trường, chỉ chen chân được vào những sản phẩm giá trị nhỏ.

Ế ẩm thị trường điện máy - Ảnh 3.

Lác đác vài khách xem những sản phẩm gia dụng tại một cửa hàng điện máy

Đại diện một chuỗi trung tâm điện máy khác cho rằng doanh số ngành này giảm đến khoảng 40%. Đồng thời, xu hướng mua hàng online cũng đang gia tăng dù chậm hơn những ngành hàng khác cũng là lý do để khách ít đến cửa hàng. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận không cao, chi phí mặt bằng khá lớn nên nhiều trung tâm đã thu hẹp quy mô hoạt động, đóng bớt cửa hàng đồng thời phải mở thêm ngành hàng kinh doanh như bán kèm điện thoại, hàng gia dụng như chén bát, bình ly...

Theo ước tính, thị trường ti vi, máy giặt… của Việt Nam có quy mô khoảng 2,4 - 2,5 tỉ USD nhưng chủ yếu vẫn đang được thống lĩnh bởi các thương hiệu ngoại như Samsung, LG, Sony, Panasonic, Casper, TCL, Toshiba, Sharp, Panasonic, Electrolux...

Riêng trong nước, cũng có thể kể đến tên một số thương hiệu nội địa như chuyên về điện lạnh có REE, Nagakawa hay đồ gia dụng có Kangaroo, Alaska, Sunhouse... nhưng thị phần khá nhỏ.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Nhà máy sa thải lao động, cắt giảm giờ làm (04/03/2023)

>   Người dân có thể dùng 'thông tin cư trú' trên VNeID thay giấy xác nhận cư trú (04/03/2023)

>   Đề xuất tăng lương hưu thêm 12.5 - 20.8% từ ngày 1/7 (03/03/2023)

>   Thế hệ sẽ tiêu tiền nhiều nhất trong lịch sử (01/03/2023)

>   Vì sao khách du lịch Trung Quốc quan trọng với Việt Nam? (01/03/2023)

>   Thủ tướng Chính phủ: Xử lý nghiêm cán bộ yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu giấy (28/02/2023)

>   TP.HCM xử lý nghiêm hành vi quảng cáo thuốc bất hợp pháp trên mạng xã hội (28/02/2023)

>   Nơi thế hệ trẻ nhận lương chỉ để trả nợ (28/02/2023)

>   Chủ cửa hàng hải sản tiết lộ sự thật ít người biết về cua hoàng đế (26/02/2023)

>   Đề xuất thêm phương án tín dụng với người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần (25/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật