Kỳ vọng gì về dòng tiền ngân hàng mua trái phiếu?
Sau Nghị định 08 của Chính phủ cho phép tái cấu trúc nợ trái phiếu doanh nghiệp, phía Ngân hàng Nhà nước cũng công bố dự thảo sửa đổi quy định ngân hàng mua trái phiếu. Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá là có điểm tích cực, giúp thị trường “dễ thở” hơn nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của tổ chức tín dụng.
Dòng tiền ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp là không nhỏ. Ảnh minh họa: L.V.
|
Có điểm mới giúp thị trường “dễ thở” hơn
Trong thời gian gần đây, câu chuyện dòng tiền “giải cứu” thị trường bất động sản lại quay về phía các nhà băng nhưng không phải là kênh tín dụng mà kênh trái phiếu doanh nghiệp. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 16 ban hành năm 2021 quy định việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo NHNN, lý do sửa đổi là để rà soát các quy định liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với các chính sách của chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết hiện tiềm ẩn rủi ro sau khi thanh tra, giám sát hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Nhiều chuyên gia ủng hộ việc nới lỏng một số mục nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp. Một trong số những điểm tích cực của dự thảo lần này là việc cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán trước đó hoặc trái phiếu được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành trái phiếu đã bán (tính đến ngày 31-12-2023).
“Đây có lẽ là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các tổ chức tín dụng trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Một số tổ chức tín dụng đang gặp phải khó khăn do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư nhưng khi tổ chức phát hành thì lại gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nói.
Đánh giá tương tự, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank, cho rằng động thái này có thể giúp các ngân hàng hỗ trợ một số khách hàng doanh nghiệp mua lại trái phiếu từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, sau đó đàm phán với doanh nghiệp về việc gia hạn, qua đó giảm áp lực trong trung hạn.
“Cùng với việc Nghị định 08 cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, động thái này có thể giúp phân tán áp lực thanh toán của các trái phiếu sắp đến hạn vì ngân hàng dễ đàm phán với doanh nghiệp hơn là nhiều nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu”, ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một điểm tích cực đáng kể khác cần được nhắc đến là ngân hàng có thể mua trái phiếu từ các doanh nghiệp cho mục đích huy động vốn lưu động. Trước đây, việc huy động vốn phải gắn với phương án phát hành cụ thể, thường chỉ được xác định được cho các chương trình, dự án đầu tư.
“Mặc dù việc mua trái phiếu là kỳ hạn trung và dài hạn còn vốn lưu động thì ngắn nhưng ở thời điểm hiện nay thì cũng có thể tạm thời coi là giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường”, ông Thành nhận định.
Dòng tiền ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp là không nhỏ. Ảnh minh họa: L.V.
|
Vẫn siết chặt dòng tiền
Trước đó, khi lấy ý kiến cho việc ban hành Thông tư 16, phía các chuyên gia và tổ chức tín dụng đã nhấn mạnh sự kiểm soát chặt hơn dòng tiền của ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ khi đó không ai nghĩ đến việc thị trường trái phiếu sẽ gặp khủng hoảng như thế này. Những lo ngại trước đó tập trung vào việc hạn chế các hoạt động M&A và thị trường thứ cấp khó phát triển hơn.
“Việc sửa đổi thông tư lần này là bổ sung thêm những quy định giúp củng cố thêm việc kiểm soát ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp. Các yếu tố chặt thì vẫn chặt như thế chứ không có gì tệ hơn”, ông Thành chia sẻ với chúng tôi.
Một trong số những nội dung mà dự thảo sửa đổi thông tư vẫn giữ nguyên như trước là vấn đề tổ chức tín dụng vẫn không được mua trái phiếu cho mục đích cơ cấu lại nợ. Các quy định hạn chế khác như không được mua trái phiếu với mục đích góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác, hay mua trái phiếu có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động cũng vẫn giữ nguyên.
Đi cùng đó là loạt tiêu chí kiểm soát như tỷ lệ nợ xấu, sử dụng vốn, có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn… được sửa đổi mang tính chặt chẽ hơn.
Trong diễn biến có liên quan đến nhà băng, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa gửi kiến nghị, cho biết khó có thể kiểm toán tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu cho kỳ công bố thông tin năm 2022 của các tổ chức phát hành.
Lý do vì số tiền thu được từ trái phiếu được cộng gộp vào tổng nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng nên rất khó xác định nguồn tiền. Theo VBMA, điều này có thể dẫn đến hệ lụy là trái chủ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước hạn ồ ạt và có thể phát sinh các nghĩa vụ tất toán chéo với các hợp đồng khác. Do đó, VBMA đề nghị hoãn thời hạn công bố thông tin báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn đến hết 30-6 và kiến nghị bỏ luôn quy định này.
Trong khi đó, ông Thuân cho rằng trong bối cảnh nợ xấu trái phiếu đang tăng từng ngày như hiện nay mà việc tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ vẫn chưa được cho phép là điều đáng lo ngại. “Nếu như dự thảo sửa đổi Thông tư 16 này được giữ nguyên thì cũng chưa có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và trong đó có tín dụng bất động sản”, ông nói.
Khó khăn vẫn sẽ còn trước mắt và các chuyên gia cũng đánh giá những quy định mới khó có thể xử lý rốt ráo vấn đề. Mặc dù ngân hàng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán nhưng nếu chất lượng doanh nghiệp đó xấu thì ngân hàng cũng không dám mua.
Tuy nhiên, dù sao thì những quy định mới cũng sẽ giúp “xì” bớt quả bóng áp lực cho ngành ngân hàng trong thời gian tới, giúp ngân hàng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, đại diện nhóm phân tích của Maybank IB bình luận.
Dũng Nguyễn
TBKTSG
|