Kiến nghị EVN mua điện mặt trời, điện gió bằng 90% giá điện nhập khẩu
Trong thời gian chờ đàm phán giá phát điện chuyển tiếp, các nhà đầu tư kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương xem xét huy động ngay công suất của dự án đủ điều kiện phát điện với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu để tránh lãng phí.
Đó là một trong những kiến nghị được bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng Tập đoàn T&T, đưa ra tại hội nghị do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức chiều 20.3, tại Hà Nội để lắng nghe ý kiến từ 85 chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình đại diện các nhà đầu tư nêu kiến nghị với EVN
|
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, kiến nghị được nêu ra tại hội nghị cũng là mong muốn chung của 36 chủ đầu tư dự án chuyển tiếp cùng ký tên trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trong ngày 10.3 và căn cứ theo quy định trong Thông tư 15 của Bộ Công thương.
Đến nay, 34 dự án điện gió, điện mặt trời tương đương 2.091 MW đã hoàn thành đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án đã test xong thử nghiệm của EVN, được Bộ Công thương nghiệm thu. Như vậy có nghĩa là, các dự án này đã hoàn toàn đủ điều kiện để đấu điện lên lưới. Theo đó, các nhà đầu tư kiến nghị, trong thời gian chờ cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại khung giá, các nhà đầu tư thực hiện đàm phán với EVN thì nên huy động ngay đối với các dự án chuyển tiếp đã đủ điều kiện vận hành để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp.
Các dự án này đã hoàn thành xong 2 năm nay đối với điện mặt trời và 1,5 năm đối với điện gió. Trên thực tế, EVN đang phải huy động từ các nguồn điện khác giá cao hơn cả điện tái tạo. Cụ thể, năm 2022, có thời điểm sản xuất điện than 3.500 - 4.000 đồng/KWh trong khi năng lượng tái tạo, chi phí chỉ trên dưới 2.000 đồng/KWh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, các nhà đầu tư thống nhất kiến nghị nên có giá cơ sở tạm tính đối với các dự án đang được đề xuất huy động ngay. Cụ thể, các nhà đầu tư và EVN có thể ký hợp đồng huy động điện với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu.
Giải thích rõ căn cứ của đề xuất này, bà Bình khẳng định: "Đối với điện nhập khẩu đang áp dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy định giá điện nhập khẩu đối với điện gió, nhiệt điện, thủy điện đến 31.12.2025 là giá 6,95 cent/kWh thì có lẽ gì mà các dự án điện tái tạo trong nước đã hoàn thành xong và không cần đầu tư hạ tầng truyền tải mà chúng ta lại không huy động với giá tương tự điện nhập khẩu".
Bà Bình cũng phân tích thêm, đối với điện nhập khẩu, ngoài giá 6,95 cent/KWh, chúng ta đang phải đầu tư đường truyền tải từ biên giới của quốc gia đó về tới điểm đấu nối, thông thường dài đến vài chục km thì chi phí để nhập khẩu điện khá lớn. Trong khi đó, dự án đầu tư năng lượng tái tạo đã hoàn thành xây dựng, đã có hệ thống đấu nối và truyền tải.
"Kiến nghị của chúng tôi về giá tạm tính chỉ bằng 90% giá điện nhập khẩu, tương đương khoảng 6,2 cent/KWh là thấp hơn khung giá trần của Bộ Công thương ban hành trong Quyết định 21 cũng là hợp lý để EVN kiến nghị Bộ Công thương quyết định xem xét huy động ngay sản lượng điện từ các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành", bà Bình nói.
EVN mong muốn chủ đầu tư phối hợp đàm phán
Thông tin tại hội nghị, đại diện Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) cho biết, sau khi đã gửi văn bản tới chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị gửi hồ sơ chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công thương, thì đến ngày 20.3, mới chỉ có duy nhất 1 chủ đầu tư gửi hồ sơ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình đại diện các nhà đầu tư nêu kiến nghị với EVN
|
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết phía EVN mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán để các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các chủ đầu tư, đại diện EVN cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.
Đối với vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn, ông Nhân đề nghị các chủ đầu tư sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.
Phan Hậu
Thanh niên
|