Hạm đội bí mật giúp Nga bán dầu đi khắp thế giới
Dầu của Nga vẫn đang tìm đường đến tay người mua trên khắp thế giới. Nhưng ngay cả những chuyên gia dành cả ngày để theo dõi tuyến đường di chuyển của chúng trên khắp các đại dương cũng gặp khó trong việc tìm ra chính xác ai đang chở chúng.
Dầu Nga vẫn đi khắp nơi
Khi phương Tây gia tăng trừng phạt đối với Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều tàu hàng đã gia nhập đội tàu chở dầu bí ẩn, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.
Những người trong ngành ước tính quy mô của đội tàu “bóng đêm” đó vào khoảng 600 tàu, tương đương khoảng 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên toàn cầu. Và con số này đang tiếp tục tăng lên.
Ai sở hữu và vận hành nhiều con tàu trong số này đến nay vẫn là một câu đố. Khi giao dịch dầu của Nga trở nên phức tạp hơn trong năm qua, nhiều chủ tàu phương Tây đã ngừng cung cấp dịch vụ của họ cho Moscow. Những tay chơi mới, được ít người biết đến đã chớp thời cơ lao vào, với sự tham gia của các công ty vỏ bọc ở Dubai hoặc Hồng Kông (Trung Quốc). Một số mua tàu từ người châu Âu, còn số khác lại khai thác những con tàu cũ kỹ, ọp ẹp có thể đã bị đưa đến bãi phế liệu.
Dầu của Nga đang được bán cho châu Á thay vì châu Âu (triệu thùng/ngày)
Đội tàu ngầm này ngày càng trở nên quan trọng khi Moscow cố gắng tránh làm ăn với các chủ tàu phương Tây, và khi các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ nhảy vào mua dầu thay cho các khách hàng ở châu Âu hiện bị cấm mua dầu và các sản phẩm tinh chế của Nga thông qua đường biển. Việc giao hàng cho những người mua ở xa hơn đòi hỏi phải có thêm tàu và các chủ tàu phải sẵn sàng đối phó với sự phức tạp và rủi ro pháp lý gia tăng, đặc biệt là sau khi G7 áp giá trần đối với dầu của Nga.
Việc hạm đội “bóng đêm” phát triển đã cho thấy những thay đổi đáng kể mà cuộc xung đột Nga – Ukraine đã mang đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong nỗ lực duy trì hoạt động, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới này phải định hình lại mô hình giao dịch đã tồn tại hàng chục năm, đồng thời chia hệ thống năng lượng của thế giới thành hai phần.
Richard Matthews – Giám đốc nghiên cứu của EA Gibson, một công ty môi giới tàu biển quốc tế, cho biết: “Có đội tàu không làm bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cho Nga, và sau đó có đội tàu hầu như chỉ kinh doanh hàng của Nga”. Chỉ có một số tàu đang thực hiện cả hai việc, với khối lượng ít ỏi, ông cho biết thêm.
Hạm đội tàu “xám” và “bóng đêm”
Khi châu Âu ngừng sử dụng năng lượng của Nga, những người mua ở châu Á lại nhảy vào giao dịch. Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu của Nga lên trung bình 1.9 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2022, tăng 19% so với năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Ấn Độ mua nhiều hơn nữa, với mức tăng 800% lên mức trung bình 900,000 thùng/ngày.
Theo công ty phân tích và dữ liệu Kpler, xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đều đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1 sau khi lệnh cấm vận chuyển dầu Nga bằng đường biển của châu Âu có hiệu lực. Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ - một khách hàng lớn khác - cũng tiếp tục tăng tốc, cho tới khi lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu tinh chế có hiệu lực từ tháng 2.
Việc hoàn thành các đơn đặt hàng này yêu cầu tàu phải tuân theo hành trình. Hạm đội quốc gia của Nga không có đủ tàu. Đó là lý do hạm đội “bóng đêm” xuất hiện.
Matthew Wright - chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Kpler, phân loại các thuyền vận chuyển dầu thô của Nga thành hai loại: “tàu xám” và “tàu bóng đêm”. Các “tàu xám” được bán kể từ cuộc xung đột bùng nổ, chủ yếu bởi các chủ sở hữu ở châu Âu cho các công ty ở Trung Đông và châu Á trước đây không hoạt động trong thị trường tàu chở dầu. Mặt khác, các “tàu bóng đêm” là những tàu từng hoạt động trong các chiến dịch của Iran và Venezuela nhằm tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Có một số bằng chứng cho thấy họ đã ngụy trang bằng cách tắt bộ phát đáp AIS (công nghệ giúp xác định và định vị các con tàu)”, ông Wright nói về những con tàu “bóng đêm”.
Mặc dù phương Tây đã cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, nhưng không có bất kỳ quy định nào ngăn cản các tàu phương Tây giao hàng cho những người mua như Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm, miễn là mức giá trần của G7 được tôn trọng. Theo Kpler, các tàu có chủ châu Âu chiếm 36% giao dịch dầu thô của Nga trong tháng 1.
Nhưng rủi ro về pháp lý và uy tín của việc không tuân thủ giá trần là rất lớn. Đồng thời, Nga mong muốn ngừng làm việc với các chủ hàng phương Tây. Điều đó đã dẫn đến sự phát triển của nhóm tàu “bóng đêm”.
Janiv Shah – chuyên gia phân tích cấp cao của công ty tư vấn Rystad Energy, cho biết: “Hạm đội ‘bóng đêm’ đang vận chuyển dầu của Venezuela và Iran trên toàn cầu là thứ mà tất cả chúng ta đều mong đợi sẽ phát triển và nó đã như vậy”.
Một lý do là vận chuyển dầu của Nga trên các tuyến đường dài hơn tới Trung Quốc hoặc Ấn Độ sẽ kém hiệu quả hơn vận chuyển tới các quốc gia lân cận như Phần Lan. Theo EA Gibson, Nga hiện cần công suất vận chuyển dầu thô gấp 4 lần so với thời kỳ trước khi xung đột bùng nổ.
Do đó, ước tính có khoảng 25 - 35 tàu được bán mỗi tháng cho đội tàu “bóng đêm”, theo giám đốc điều hành cấp cao của một công ty kinh doanh dầu mỏ. Global Witness - một tổ chức phi lợi nhuận - ước tính rằng 1/4 doanh số bán tàu chở dầu từ cuối tháng 02/2022 đến tháng 01/2023 liên quan đến những người mua không xác định, gần gấp đôi con số của năm trước đó.
Nhu cầu có thể tăng trong những tháng tới nếu Trung Quốc cần thêm nhiên liệu để phục hồi kinh tế.
Kim Dung (Theo CNN)
FILI
|