Thứ Sáu, 03/03/2023 20:00

Ông lớn lắp ráp iPhone tính xây dựng nhà máy 700 triệu USD ở Ấn Độ

Tập đoàn công nghệ Foxconn, đối tác của Apple, đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD để xây dựng nhà máy mới ở Ấn Độ, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg. Điều này cho thấy làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang được đẩy nhanh giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Theo kế hoạch, tập đoàn Đài Loan này sẽ xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện iPhone trên một mảnh đất rộng 121ha gần sân bay ở Bengaluru (Ấn Độ), dựa trên nguồn tin thân cận.

Ngoài ra, nhà máy mới cũng có thể lắp ráp các thiết bị cầm tay khác của Apple và một số phụ tùng cho mảng xe điện non trẻ của Foxconn.

Khoản đầu tư này, nếu được thực hiện, sẽ là một trong những khoản chi lớn nhất của Foxconn ở Ấn Độ cho đến nay. Điều này cho thấy Trung Quốc có nguy cơ đánh mất vị thế là công xưởng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Theo nguồn tin thân cận, cơ sở sản xuất mới của Foxconn có thể tạo ra 100,000 việc làm ở Ấn Độ. Khu lắp ráp iPhone rộng lớn của Foxconn ở Trịnh Châu có tới 200,000 nhân viên, thậm chí cao hơn trong mùa cao điểm.

Trước đó, sản lượng tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu giảm mạnh ngay trước mùa lễ hội cuối năm do dịch COVID-19 bùng phát và Trung Quốc áp lệnh kiểm soát. Điều này càng thôi thúc Apple phải đánh giá lại tác động từ việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Quyết định của Foxconn cho thấy các nhà cung ứng có thể rời khỏi Trung Quốc nhanh hơn dự báo.

Nguồn tin thân cận cho biết kế hoạch này vẫn có thể thay đổi vì Foxconn đang trong quá trình hoàn tất các chi tiết của kế hoạch đầu tư. Vẫn chưa rõ liệu nhà máy mới sẽ gia tăng thêm công suất của Foxconn hay Công ty chỉ đơn thuần là chuyển sản xuất từ Trung Quốc tới nhà máy mới này.

Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Apple và các thương hiệu Mỹ khác đang thúc giục nhà cung ứng tại Trung Quốc để tìm kiếm các địa điểm thay thế như Ấn Độ và Việt Nam.

Xung đột ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc – vốn khơi mào từ cuộc thương chiến thời Donald Trump và sau đó lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, gần đây nhất là chip –  khiến nhiều công ty phải suy xét lại chuỗi cung ứng thiết bị điện tử sau hàng chục năm gắn bó. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc trở nên quá rõ ràng trong những năm COVID-19 ập đến, khi những lệnh kiểm soát của Bắc Kinh bóp nghẹt nguồn cung từ điện thoại cho tới xe hơi.

GoerTek, nhà sản xuất tai nghe AirPods cho Apple, cũng nằm trong nhóm công ty đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế Trung Quốc.

Các nhà cung ứng của Apple hiếm khi chia sẻ suy nghĩ của họ, một phần là do “táo khuyết” một mực yêu cầu các bên giữ bí mật.

Phía Apple không nói rõ liệu họ có đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc hay không. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng cẩn thận không tiết lộ ý định giảm đầu tư vào Trung Quốc, nơi họ đã xây dựng một hệ sinh thái tập trung vào các công ty như GoerTek và Foxconn Technology Group.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch GoerTek Kazuyoshi Yoshinaga cho biết 9 trong số 10 nhà cung ứng quan trọng nhất của Apple có thể đang chuẩn bị cho các đợt dịch chuyển quy mô lớn đến các quốc gia như Ấn Độ.

Hầu hết công ty sản xuất thiết bị công nghệ Trung Quốc đang chịu áp lực phải chuyển nhà máy. “Tôi sẽ cho rằng hiện 90% công ty đang cân nhắc về chuyện này”, ông nói thêm. “Đây là yêu cầu từ phía khách hàng”.

 

Ấn Độ là một trong những lựa chọn hàng đầu trong danh sách mong muốn của khách hàng. Điều này phản ánh tiềm năng của Ấn Độ cả về thị trường lẫn cơ sở sản xuất.

"Chúng tôi nhận được yêu cầu từ khách hàng gần như mỗi tháng. ‘Anh có kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ không?'", ông Yoshinaga cho biết. "Nếu họ muốn xây dựng các dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ, chúng tôi có thể phải nghiêm túc suy nghĩ về chuyện này. Hiện tại, GoerTek đang tập trung vào việc phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam".

 

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Lạm phát lõi của Eurozone lập kỷ lục mới vì giá dịch vụ (03/03/2023)

>   Fed phát tín hiệu nâng lãi suất lên mức cao hơn dự báo nếu dữ liệu tiếp tục tăng nóng (03/03/2023)

>   Nữ tỷ phú giàu thứ 2 Trung Quốc tiếp quản đế chế địa ốc của cha (02/03/2023)

>   Giới siêu giàu mất hơn 10 ngàn tỷ đô trong năm 2022 (02/03/2023)

>   Kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh hơn dự báo (02/03/2023)

>   Chuỗi cung ứng bớt căng thẳng nhưng áp lực lạm phát sẽ vẫn còn  (02/03/2023)

>   Người Mỹ ngại mua nhà vì lãi vay tăng cao (02/03/2023)

>   Lý do nào khiến các hãng chip tăng cường sản xuất ở Singapore? (01/03/2023)

>   Thị trường bất động sản Trung Quốc trong 'cơn khát' tín dụng (01/03/2023)

>   Bloomberg: 90% nhà cung ứng cho Apple cân nhắc rời Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ (01/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật