Thứ Tư, 29/03/2023 19:30

Giới đầu tư hạ kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất trên toàn cầu

Các thị trường đang đặt cược rằng Mỹ, Canada và Brazil sẽ hạ lãi suất trước mùa thu năm nay.

Giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng về làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu sau những bất ổn của ngành ngân hàng, với các chỉ số thị trường gợi ý rằng thời kỳ tăng lãi suất nhanh sẽ kết thúc đột ngột.

Tình hình định giá các sản phẩm phái sinh, như hợp đồng hoán đổi lãi suất, hiện nay đang cho thấy các nhà đầu tư tin rằng nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ không tăng lãi suất nữa và trong một số trường hợp, sẽ bắt đầu hạ lãi suất trước cuối năm nay.

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, cho biết: “Lãi suất toàn cầu đang gần chạm đỉnh. Việc hệ thống ngân hàng toàn cầu đột ngột trở nên mong mạnh đang gây áp lực lớn, buộc các ngân hàng trung ương phải chấm dứt việc tăng lãi suất càng sớm càng tốt”.

Lãi suất của hợp đồng hoán đổi tín dụng hiện cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương Nhật Bản và 7 ngân hàng trung ương lớn khác đang được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp chính sách. Các thị trường đang có những quan điểm khác nhau về việc liệu ngân hàng trung ương Anh (BOE) và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có tăng lãi suất vào tháng 05/2023 hay không.

Khả năng thay đổi lãi suất tại một số nền kinh tế lớn trong năm 2023 (đơn vị: %)


   

Susannah Streeter, chuyên gia phân tích đầu tư cấp cao của công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, cho biết: “Chúng ta đã trải qua một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua, sau đó là tình trạng hỗn loạn ngân hàng và lãi suất sắp chạm đỉnh”.

Việc đánh giá lại tình hình lãi suất diễn ra sau một trong những chu kỳ thắt chặt mạnh nhất lịch sử gần đây. Trong 6 tháng qua, 18 ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất tổng cộng 16.45 điểm phần trăm.

Chỉ hai tuần trước, đỉnh lãi suất vẫn còn là một vấn đề xa vời.

Vào đầu tháng 03/2023, nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất mục tiêu tại Mỹ sẽ tăng lên tới 5.5 – 5.75% cho tới tháng 12 năm nay, từ mức hiện tại là 4.75 - 5%. Tuy nhiên, sự thay đổi trong định giá phái sinh đang báo hiệu rằng thị trường kỳ vọng con số sẽ vào khoảng 4% vào thời điểm đó.

Cũng vào đầu tháng này, nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ đạt 4% vào cuối năm nay, tăng từ mức 3% hiện tại. Bây giờ, họ dự đoán lãi suất tiền gửi là 3% vào cuối năm nay. Kỳ vọng về lãi suất của BOE vào cùng thời điểm cũng giảm từ khoảng 4.75% vào đầu tháng 03/2023 xuống khoảng 4.25% vào đầu tuần này.

Kỳ vọng lãi suất của thị trường đã thay đổi đáng kể trong 2 tuần qua

“Các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm cả Fed và ECB, nên đưa ra một tuyên bố chung rằng họ sẽ không thảo luận về bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa, ít nhất là cho đến khi thị trường tài chính ổn định trở lại”, Erik Nielsen, cố vấn kinh tế trưởng tại UniCredit Bank, cho biết.

Tuần trước, Fed, BOE và ngân hàng trung ương của Na Uy đều tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ đã tăng 50 điểm cơ bản bất chấp việc đối thủ UBS phải đứng ra tiếp quản Credit Suisse khẩn cấp. ECB cũng làm như vậy vào tuần trước.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở hầu hết ngân hàng trung ương đã phát đi tín hiệu rằng lãi suất có tiếp tục tăng hay không sẽ phụ thuộc vào việc tình trạng hỗn loạn của hệ thống ngân hàng có lắng xuống hay không. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 22/03 đánh tín hiệu rằng sự hoảng loạn có thể làm thay công việc của các nhà hoạch định lãi suất.

Costas Milas, giáo sư tại trường đại học Liverpool, cho biết: “Do tình hình căng thẳng, các ngân hàng bớt sẵn sàng cho vay hơn và họ sẽ cho vay kèm theo tăng lãi suất”.

UBS dự báo đến cuối năm 2023, hơn một nửa trong số 32 ngân hàng trung ương mà họ theo dõi sẽ hạ lãi suất chính sách. 7 ngân hàng trung ương khác sẽ không thay đổi.

Dự báo của UBS về lãi suất tại một số nền kinh tế lớn (đơn vị: %)

 

 

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn lo ngại lạm phát cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất.

Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cho biết nếu lạm phát có dấu hiệu dai dẳng hơn nữa, các ngân hàng trung ương sẽ hy sinh nền kinh tế của họ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Số liệu lạm phát của Mỹ và khu vực đồng EUR sẽ được công bố vào ngày 31/03.

Trong khi đó, một số nhà hoạch định lãi suất ở châu Mỹ Latinh và Đông Âu đã giữ nguyên lãi suất trong nhiều tháng qua.

Số đợt tăng và hạ lãi suất của 18 ngân hàng trung ương lớn

Bà Streeter của Hargreaves Lansdown cho biết: “Ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi là một số trong những ngân hàng đầu tiên phản ứng với tình trạng lạm phát gia tăng bằng cách tăng lãi suất, và họ vẫn có thể là những ngân hàng đầu tiên khởi động chu kỳ hạ lãi suất”.

Kim Dung (Theo FT)

FILI

Các tin tức khác

>   Ngày 1/5, FDIC và Fed sẽ công bố nguyên nhân sụp đổ của các ngân hàng (29/03/2023)

>   UBS bổ nhiệm CEO mới sau khi thâu tóm Credit Suisse (29/03/2023)

>   Loạt ngân hàng Pháp bị cáo buộc gian lận thuế, rửa tiền (29/03/2023)

>   Người trong cuộc kể lại quá trình "bank run" ở Silicon Valley Bank (29/03/2023)

>   Vụ SVB phá sản: FDIC, Fed sẽ xem xét thất bại trong việc quản lý SVB (29/03/2023)

>   Vàng thế giới tăng khi đồng USD suy yếu (29/03/2023)

>   Dầu tiếp tục tăng trước rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Iraq (29/03/2023)

>   ADB: Rủi ro với châu Á gia tăng vì tài chính thế giới hỗn loạn (28/03/2023)

>   CEO UBS: Không mua lại Credit Suisse chỉ để đóng cửa nó (28/03/2023)

>   SVB sụp đổ vì quá 'giác ngộ'? (28/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật