Giới đầu tư châu Á nên làm gì giữa hỗn loạn của ngành ngân hàng?
Sau sự kiện Credit Suisse bị thâu tóm và sự sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ, nhà đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cảm thấy bất an. Vậy nhà đầu tư có thể làm gì giữa môi trường hỗn loạn này?
Dù cuộc khủng hoảng diễn ra ở Mỹ và châu Âu, nhưng với bản chất liên kết của hệ thống tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư ở châu Á và châu Úc vẫn cảm thấy lo ngại về khoản tiền gửi và các khoản đầu tư của họ.
Bloomberg News đã hỏi các chuyên gia tài chính cá nhân rằng nhà đầu tư cá nhân nên hành động ra sao trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay.
Đối với Jarrad Brown, Chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại Global Financial Consultants, giờ là lúc để đánh giá lại mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân.
Ông nói: “Mọi người đều có xu hướng trở thành một nhà đầu tư mạnh bạo khi thị trường đi lên, vì khi đó ai cũng có lãi. Nhưng thị trường suy giảm mới là lúc chúng ta thực sự đánh giá được khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân”.
Tiền gửi được bảo hiểm ra sao?
Tuần trước, S&P Global Ratings cho biết các ngân hàng ở châu Á đang ở vị trí tương đối tốt và chỉ khi cuộc khủng hoảng leo thang đáng kể mới có thể khiến họ thay đổi quan điểm.
Hầu hết quốc gia ở châu Á đều có hệ thống bảo hiểm tiền gửi, nhưng mỗi hệ thống đều có điểm phức tạp riêng.
- Hồng Kông bảo hiểm tiền gửi lên tới 500,000 HKD (64,000 USD) cho mỗi khách hàng của mỗi ngân hàng hoặc công ty tài chính.
- Singapore: 75,000 SGD (56,000 USD).
- Malaysia: 250,000 Ringgit (56,000 USD).
- Australia: 250,000 AUD (167,000 USD) cho mỗi chủ tài khoản.
- Hàn Quốc: 50 triệu Won (38,000 USD).
- Hệ thống bảo hiểm tiền gửi của Nhật Bản đảm bảo cho số tiền gốc và lãi lên tới 10 triệu Yên (76,000 USD).
- Trung Quốc đã triển khai chương trình bảo hiểm tiền gửi từ năm 2015 với mức bảo hiểm lên tới 500,000 Nhân dân tệ (73,000 USD).
Một ngoại lệ đáng chú ý là New Zealand. Tại đây, Chính phủ đang trong quá trình xây dựng chương trình bảo hiểm tiền gửi.
Xử lý các khoản đầu tư ra sao?
Luke Smith, Chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại Envision Financial Services, cho biết hãy cố gắng theo sát diễn biến vì thị trường sẽ tiếp tục biến động trong một thời gian nữa. Miễn là bạn phân bổ tài sản phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân, bạn có thể vượt qua giai đoạn này.
David Snelling, Chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại Charlton House Wealth Management, cho biết trong 16 năm tư vấn cho khách hàng, lúc nào cũng có thể xuất hiện yếu tố tiêu cực về kinh tế vĩ mô có khả năng làm đảo lộn các danh mục đầu tư.
“Lời khuyên của tôi dành cho khách hàng là đừng hoảng sợ và đừng lắng nghe những tín hiệu nhiễu ngoài kia. Thị trường lúc thăng lúc trầm, các khoản đầu tư nên được nhìn dài hạn”, ông nói.
Khi nào nên thoái vốn?
Nếu vẫn còn lo lắng, có lẽ đã đến lúc bạn nên thoái vốn khỏi một số tài sản có tính biến động cao trong danh mục đầu tư, nhất là nếu bạn đã chấp nhận thêm rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu hoặc thị trường nước ngoài, ông Smith nói.
Ông nói: “Họ nên tìm cách điều chỉnh để có danh mục tài sản phù hợp hơn”.
Chuyên gia Brown của Global Financial Consultants khuyên nhà đầu tư nên xem lại mức độ rủi ro tổng thể của danh mục đầu tư và cân đối lại cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Ông khuyên nếu đầu tư vào các công ty riêng lẻ, bạn nên kiểm tra tình hình tài chính của họ.
Ông cho rằng hãy cẩn thận khi đầu tư vào các ngân hàng nhỏ hoặc một công ty mà tình hình tài chính có vẻ rủi ro hơn một chút (có thể là dòng tiền tự do âm, mức nợ có thể quá cao hoặc có thể cần phải tái cấp vốn với lãi suất cao hơn). “Công ty đó có thể cần huy động vốn, mà tôi nghĩ bây giờ điều đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hai năm trước”, ông nói.
Có còn cơ hội đầu tư hay không?
Ông Brown của Global Financial Consultants vẫn lạc quan về các cơ hội đầu tư.
“Đối với những người đặt ra khung thời gian đầu tư ít nhất từ 3 đến 5 năm, chúng tôi khuyên rằng đây là cơ hội ngàn năm có một để mua hoặc đầu tư vào các công ty chất lượng với mức giá chiết khấu,” ông nói.
Ông Snelling của Charlton House Wealth Management đồng ý rằng đây có thể là cơ hội để mua cổ phiếu tài chính và ngân hàng với mức giá tốt hơn so với đầu tháng này.
Ông nói: “Có lẽ cần phải dũng cảm mới có thể đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng ngay bây giờ, nhưng theo quan điểm của tôi, nó mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn”.
Nên tránh điều gì?
Hoảng loạn và thanh lý tài sản sẽ là một động thái thiếu khôn ngoan.
Ông Smith của Envision Financial Services cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc hoàn toàn đứng ngoài thị trường có thể khiến bạn tiếc nuối sau này, bởi vì khi mọi thứ thay đổi, chúng sẽ thay đổi rất nhanh và bạn có thể bỏ lỡ một đợt tăng hoặc phục hồi đáng kể. Đừng thoái vốn hoàn toàn khỏi các khoản đầu tư và giữ tất cả bằng tiền mặt”.
Ông Brown của Global Financial Consultants cảnh báo không nên đầu tư vào cổ phiếu của các công ty đã sụt giảm nghiêm trọng chỉ vì kỳ vọng rằng chúng sẽ phục hồi trở lại sau khi thị trường bình ổn trở lại. “Vì không phải cổ phiếu nào cũng sẽ phục hồi”, ông nói.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|