Cuộc tháo chạy của nhà đầu tư nghiệp dư trên thị trường chứng khoán Mỹ
Nhà đầu tư nghiệp dư Omar Ghias, 25 tuổi, ở Las Vegas tích lũy được khoảng 1,5 triệu đô la nhờ các cổ phiếu mà anh mua tăng mạnh trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Đến cuối năm 2022, tài khoản anh bốc hơi sạch sẽ và anh còn gánh thêm các khoản nợ thẻ tín dụng và vay mua xe. Giờ đây, anh cũng như nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khác ở Mỹ đã từ giã thị trường vì không còn tiền để đầu tư.
Từng tích lũy được danh mục mục cổ phiếu trị giá 1,5 triệu đô la vào thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 nhưng giờ đây Omar Ghias phải làm việc cho một nhà hàng ở Las Vegas để kiếm sống. Ảnh: WSJ
|
Bữa tiệc chứng khoán tàn, nhà đầu tư nhỏ lẻ mất sạch thành quả
Cơn bùng nổ chứng khoán trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ lao vào thị trường cổ phiếu và kiếm được khoản lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Giờ đây, sau cú sụp đổ của thị trường trong năm 2022, nhiều người trong số họ đang rút khỏi chứng khoán sau khi mất hết thành quả lợi nhuận, thậm chí lỗ lớn. Đây cũng là lúc thị trường có nguy cơ mất đi nguồn lực hỗ trợ quan trọng từ đội quân đầu tư nhỏ lẻ và nghiệp dư hùng hậu.
Nhà đầu tư nghiệp dư Omar Ghias cho biết anh đã tích lũy được khoảng 1,5 triệu đô la nhờ các cổ phiếu mà anh mua tăng mạnh trong giai đoạn đầu của đại dịch. Khi lợi nhuận đầu tư cổ phiếu tăng lên, Ghias vung tiền chi tiêu xả láng, từ cá cược thể thao, đi chơi quán bar cho đến thuê những siêu xe. Anh cho biết anh đã sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn để gia tăng các vị thế nắm giữ cổ phiếu.
Khi bữa tiệc chứng khoán kết thúc, tài sản của Ghias bốc hơi vì một số quyết định đặt cược sai lầm và kiểu tiêu xài quá mức của anh. Giờ đây để mưu sinh, Ghias làm việc tại một nhà hàng ở Las Vegas, nơi trả cho anh khoảng 14 đô la Mỹ/ giờ cộng với tiền boa và làm các công việc tự do khác. Ghias cho biết không còn tiền để đầu tư cổ phiếu và còn nợ 15.000 đô la thẻ tín dụng và 36.000 đô la khoản vay mua ô tô.
Ghias nói: “Tôi đang bắt đầu lại từ con số không”.
Trong thời gian đại dịch hoành hành vào năm 2020 và 2021, rất nhiều người Mỹ đã bị cuốn vào thị trường chứng khoán, giúp giá cổ phiếu của một số công ty kinh doanh bết bát tăng chóng mặt. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ này rút lui khỏi thị trường sau một năm tồi tệ nhất đối với cổ phiếu kể từ năm 2008. Những nhà đầu tư nghiệp dư khác đang giảm vị thế nắm giữ cổ phiếu của họ hoặc chuyển tiền sang các tài sản an toàn hơn chẳng hạn trái phiếu chính phủ Mỹ.
Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang hoạt động nhưng thận trọng hơn với các khoản đặt cược của họ. Sumit Gupta, một bác sĩ nhãn khoa 49 tuổi ở Charlotte, bang North Carolina, nằm trong số những người đã mua cổ phiếu giảm giá vào đầu năm 2022. Nhưng sau đó, thị trường tiếp tục lao dốc. Chỉ số S&P 500 trải qua năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do Fed tăng lãi suất mạnh để hạ nhiệt lạm phát.
Kể từ đó, Gupta thay đổi chiến lược của mình, phân bổ tiền nhiều hơn cho trái phiếu chính phủ Mỹ, có mức lợi nhuận dao động quanh mức 3,5%, tăng từ mức dưới 1% vào năm 2020.
Đội quân đầu tư nghiệp dư rút lui
Tháng trước, hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán Mỹ được đo bằng giá trị đô la đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1-2020, theo phân tích của Công ty nghiên cứu Vanda Research. Những nhà đầu tư này cũng giao dịch ít hơn với các công ty môi giới đã khơi dậy cơn hưng phấn của họ trước đó trong đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, các hộ gia đình Mỹ dự kiến sẽ rút khoảng 100 tỉ đô la ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2023. Đây sẽ là lần đầu tiên dòng tiền đầu tư của các hộ gia đình bị rút ròng ra khỏi thị trường kể từ năm 2018.
Hành động sắp tới của nhà đầu tư nghiệp dư sẽ tác động lớn đối với hướng đi của thị trường chứng khoán Mỹ. Theo Goldman Sachs, họ vẫn là nhóm nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lớn nhất của Mỹ và bất kỳ sự rút lui nào của họ đều có thể tước đi một nguồn lực hỗ trợ quan trọng vào thời điểm thị trường đối mặt với bất ổn. Những lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế tiếp tục xuất hiện và nhiều công ty lớn của Mỹ đang chuẩn bị cho triển vọng kinh doanh ảm đạm bằng cách cắt giảm chi phí và sa thải nhân sự hàng loạt. Các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần nói rằng họ vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ hạ nhiệt nền kinh tế của họ.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trong tuần qua sau khi Fed chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Chỉ số S&P 500, theo dõi 500 công ty đại chúng vốn hóa lớn tiêu biểu ở Mỹ, tăng 7,7% cho đến nay trong năm 2023 và chỉ số Nasdaq Composite tăng đến 15%.
Đợt tăng giá đầu năm 2023 vẫn khác xa so với những gì đã xảy ra hai năm trước. Bị mắc kẹt ở nhà trong thời kỳ đại dịch và được nhận các khoản trợ cấp tiền mặt từ chính phủ, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào thị trường chứng khoán và xem đây như một sòng bài. Họ tập hợp lại với nhau trên các diễn đàn trực tuyến như Reddit, Discord và Twitter để cùng hô hào mua một cổ phiếu nào đó, thường là các cổ phiếu của các công ty yếu kém và thị giá thấp. Cơn sốt đầu tư của họ đã đẩy giá cổ phiếu của một số công ty đang làm ăn thua lỗ tăng như chuỗi bán lẻ game video GameStop Corp hay chuỗi rạp phim AMC Entertainment tăng vùn vụt. Giá cổ phiếu của GameStop tăng từ 1 đô la lên hơn 80 đô la chỉ trong vài tháng.
Động lực tăng giá chỉ dựa vào dòng tiền đầu cơ, chứ không liên quan đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Một số nhà giao dịch chân ướt chân ráo này kiếm được những khoản lợi nhuận lớn trong năm 2021. Nhưng nhiều người trong số họ mất tiền vào năm tiếp đó khi chứng khoán Mỹ suy sụp cùng với trái phiếu và tiền ảo. Giá trị danh mục mục đầu tư trung bình của các nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ giảm 27% kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 12-2021, theo ước tính của Vanda Research, giảm mạnh so với mức giảm khoảng 13% của S&P 500 trong cùng thời kỳ.
Lượng người dùng thường xuyên hàng tháng của ứng dụng môi giới trực tuyến Robinhood Markets, nơi thu hút nhà đầu tư mới nhờ miễn phí giao dịch, gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi công ty lên sàn. Tại các công ty môi giới truyền thống hơn của Morgan Stanley và Charles Schwab Corp., giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của nhà đầu tư nhỏ lẻ gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Lê Linh (Theo WSJ)
TBKTSG
|