Thứ Tư, 01/03/2023 09:00

Chuyển đổi nhà ở sinh viên 'bỏ hoang' thành nhà ở xã hội: Sẽ tăng ngay nguồn cung cho thị trường

4 tòa nhà ở dành cho sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) đã xây xong phần thô “bỏ hoang” gần 10 năm, gây lãng phí lớn. Nhiều lần UBND TP Hà Nội đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội (NƠXH) để tăng nguồn cung, thậm chí đưa vào kế hoạch phát triển nhà nhưng đến nay dự án vẫn nằm im, xuống cấp trong khi phân khúc này thiếu nghiêm trọng.

Với gói tín dụng chính sách 12.500 tỷ đồng UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt cho phát triển NƠXH giai đoạn 2021-2025, liệu những toà nhà bỏ hoang thuộc dự án này có được hoàn thiện?

Gần 10 năm để hoang

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 với việc phát triển hơn 1 triệu m2 sàn NƠXH với nguồn vốn khoảng 12.500 tỷ đồng. Theo UBND TP Hà Nội, dự kiến nguồn vốn có khoảng 5.800 tỷ đồng vốn ngân sách, trong đó, khoảng 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) thành NƠXH cho thuê, chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành NƠXH cho thuê tại dự án này.

Dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Mục tiêu ban đầu dự án nhằm đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Từ tháng 1/2015, 3 tòa nhà đi vào sử dụng, có sức chứa 10.800 sinh viên.

Có mặt tại dự án sau nhiều năm xây dựng, hình ảnh hoang tàn, xuống cấp của 4 khối nhà khiến nhiều người đi qua không khỏi xót xa. Do bị bỏ hoang lâu ngày nên nhiều người sử dụng khu tầng 1 để tập kết vật liệu xây dựng và để xe. 4 khối nhà được hoàn thiện phần thô các tầng nhưng qua nhiều năm, những mảng tường trát xi măng bong tróc.

Bà Nguyễn Thị Phương, sinh sống gần khu này cho biết: “Mấy tòa nhà này bỏ hoang lâu rồi nên người dân xung quanh tận dụng làm bãi xe, trồng rau…. Thỉnh thoảng, tôi thấy có những người đến khảo sát nhưng sau đó, các toà nhà vẫn nằm im lìm. Trước đây, không ai dám lảng vảng đến nhất là khi tối trời nhưng giờ đã có nhiều người ra vào khu này tranh thủ... hái rau”.

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Ngọc Mai

Năm 2014, trước khi nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được đưa vào sử dụng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là ông Trịnh Đình Dũng cùng các lãnh đạo UBND TP Hà Nội đi thị sát kiểm tra khu nhà này. Lúc đó, nhiều phóng viên đi theo cùng và trực tiếp lên tham quan khu nhà ở sinh viên này (đây là khu nhà ở cao tầng nhất ở Hà Nội dành cho sinh viên). Dự án được xây dựng hoàn toàn bằng vốn ngân sách với 6 khối nhà cao tầng, trong đó có 2 khối nhà đã hoàn thành và chuẩn bị đón sinh viên. Những khối nhà còn lại xây xong phần thô và tưởng chừng như hoàn thiện ngay sau đó. Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, 4 khối nhà còn lại nằm “trơ gan cùng thuế nguyệt”. Thậm chí, 2 khối nhà sinh viên đã hoàn thiện đưa vào sử dụng nhưng không thu hút được sinh viên ở, nhiều phòng vẫn bỏ trống. Sự lãng phí này nhiều lần báo chí phản ánh bởi vị trí dự án làm nhà ở sinh viên không hợp khi quá xa các trường đại học.

Những bất cập trên cũng được UBND TP Hà Nội ghi nhận. Để tránh lãng phí, năm 2017, UBND TP.Hà Nội chủ động xin đề xuất chuyển đổi các khối nhà còn lại sang NƠXH. Bộ Xây dựng cũng lên tiếng nhất trí và còn có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội hướng dẫn xử lý những tồn tại tại dự án này, trong đó có vấn đề chuyển đổi dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Nguồn cung cả nghìn căn hộ cho Hà Nội

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quang Hưng, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc chuyển đổi nhà ở sinh viên sang NƠXH khu Pháp Vân - Tứ Hiệp thuộc thẩm quyền của Hà Nội. Theo ông Hưng, nếu dự án được chuyển đổi sẽ có cả nghìn căn hộ cho thị trường đang khan hiếm như hiện nay.

Để phát triển NƠXH trong giai đoạn tiếp theo, ông Hưng cho biết, Bộ Xây dựng có đề án 1 triệu căn hộ NƠXH trong đó có những đề xuất cụ thể về những ưu đãi để phát triển phân khúc này.

Là người từng nhiều lần đề xuất chuyển đổi khu nhà làm NƠXH khi còn đương chức, ông Nguyễn Trí Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp khi thi công nhiều lần chậm vì thiếu vốn. Dự án được xây dựng bằng vốn ngân sách. “Sau khi 2 khối nhà đưa vào sử dụng, 4 khối còn lại không đủ vốn nên ngay từ đầu các cấp ngành đã biết. Sau này, UBND TP Hà Nội đề xuất chuyển đổi khu nhà này sang nhà ở xã hội và cũng được các bộ, ngành đồng ý. Thời đấy tôi vẫn làm ở Sở Xây dựng và giờ tôi về hưu không hiểu vì sao đến thời điểm này, dự án vẫn chưa thể triển khai”, ông Dũng nói.

Ông Dũng nói, dự án này nằm trong Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp có sẵn hạ tầng. Các căn hộ mới chỉ hoàn thiện phần thô cho sinh viên ở tập trung nên việc thi công lại dễ dàng “Nếu dự án chuyển đổi xong triển khai tiếp bằng vốn ngân sách sẽ chỉ dành cho thuê và giá thuê thấp phù hợp với gia đình thu nhập thấp ở Hà Nội. Dự án sẽ giống như khu nhà ở cho thuê Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội)”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện giá nhà ở xã hội cao vì dự án không khống chế dưới mức 15 triệu đồng/m2 như trước nên nhiều người cũng không có khả năng mua nhà. Theo đó, dự án NƠXH cho thuê tầm 2 triệu đồng/căn hộ với đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ phù hợp với nhiều gia đình hiện nay.

Ngọc Mai

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Hàng loạt thủy điện trăm tỉ triển khai ì ạch (01/03/2023)

>   Hải Phòng gọi đầu tư cho dự án đô thị hơn 23 ngàn tỷ (28/02/2023)

>   Hiện trạng 7 siêu dự án TPHCM đang tập trung gỡ vướng (01/03/2023)

>   Á hậu Dương Trương Thiên Lý góp hơn 660 tỷ đồng tiền mặt làm khu nghỉ mát Đà Lạt (28/02/2023)

>   Taseco Land nhận hơn 35 ngàn m2 đất để xây dựng khu đô thị tại Thanh Hóa (28/02/2023)

>   Hưng Thịnh Land mang đến cơ hội nhà ở cho thế hệ 9X tại TP.HCM (28/02/2023)

>   Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu ưu tiên 'cứu' 116 dự án bất động sản đang ách tắc (28/02/2023)

>   Doanh nghiệp 7 tháng tuổi làm dự án cán thép 5.5 ngàn tỷ ở Thanh Hóa (28/02/2023)

>   Hai doanh nghiệp vài tháng tuổi làm dự án hơn 2 ngàn tỷ, Lâm Đồng đề nghị thẩm định (28/02/2023)

>   Dự án bất động sản mắc kẹt vì giấy phép con (27/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật