Hiện trạng 7 siêu dự án TPHCM đang tập trung gỡ vướng
Ngày 20/02, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì cuộc họp với một số doanh nghiệp để gỡ vướng mắc cho 7 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.
Đây đều là những dự án nằm tại các vị trí đắc địa thuộc quận 1, quận 4, quận 7, quận Tân Phú và thành phố Thủ Đức của những chủ đầu tư lớn như Novaland, Sơn Kim Land, CapitaLand, Gamuda Land, Gotec…
Trong số đó, có 2 dự án của Novaland đang gặp vấn đề về pháp lý. Một là chung cư Cô Giang (tên thương mại là Grand Manhattan) nằm ngay trung tâm quận 1, quy mô hơn 14,000 m2 với 1,415 căn hộ, 39 tầng nổi với 4 tầng hầm. Khởi công lại từ tháng 01/2022, dự kiến quý 2/2023 sẽ bàn giao, tuy nhiên khi dự án thi công đến tầng 28 thì gặp vướng ở khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư và hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao nên đã tạm ngưng thi công.
Bloomberg từng đánh giá Grand Manhattan sở hữu vị trí thương mại thịnh vượng, kế bên phố tài chính của Sài Gòn, dự án nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chung cư Cô Giang trước đây do CTCP Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư, pháp nhân này gồm 3 cổ đông chính là VinaCapital Property Investment Limited nắm 90% vốn, CTCP Phát triển Vietland Capital 5% và ông Phan Minh Việt. Ông Lam Don Di (CEO VinaCapital) làm Chủ tịch HĐQT. Đến nay Công ty này tăng vốn điều lệ từ 632 tỷ lên 4,780 tỷ, các cổ đông sáng lập không còn giữ vốn, đồng thời ông Ngô Hồng Hải làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Dự án Grand Manhattan đã dừng thi công kể từ tầng 28. Ảnh: Tuấn Trần
Không có dấu hiệu công nhân làm việc tại dự án dù đã hơn 9h sáng 23/02. Ảnh: Tuấn Trần
Dự án thứ hai là khu phức hợp Bình Khánh (tên thương mại The Water Bay) nằm ngay mặt tiền đường Mai Chí Thọ, thành phố Thủ Đức. Tổng diện tích hơn 30.2 ha nhưng mới xây xong phần móng và đã “đắp chiếu” từ năm 2017 đến nay do sai phạm trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và tính tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 nhưng đã chuyển nhượng lại cho Novaland. Tập đoàn này cho biết đã rót vào đây 6,000 tỷ đồng nhưng đã phải đắp chiếu suốt 2 năm qua.
CTCP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 thành lập năm 2008, vốn điều lệ thay đổi gần nhất của Công ty là gần 2.614 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH Bất động sản Khải Hưng nắm 99%, còn lại do bà Huỳnh Phương Thảo nắm. Công ty Khải Hưng vốn điều lệ hiện nay hơn 7,079 tỷ đồng, do Novaland nắm 97.761%, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức nắm 1.571%, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phước Long 0.665%, bà Huỳnh Phương Thảo 0.003%. Công ty hiện do ông Bùi Đạt Chương (em trai ông Bùi Thành Nhơn) làm Chủ tịch HĐQT.
Khu vực đất thực hiện dự án The Water Bay hiện chỉ có cỏ cây mọc um tùm và các cọc thép nằm trơ trọi. Ảnh: Tuấn Trần
Cổng vào dự án được rào lại và vẫn để biển hiệu Bệnh viện dã chiến số 10 đã bị trôi lớp sơn trắng. Ảnh: Tuấn Trần
Cổng vào dự án được rào lại và vẫn để biển hiệu Bệnh viện dã chiến số 10 đã bị trôi lớp sơn trắng.
Tại thành phố Thủ Đức, đại diện UBND TPHCM còn đề cập đến 2 dự án khác là khu phức hợp Sóng Việt của Sơn Kim Land và Khu nhà ở Thiên Lý của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý.
Trong đó, Khu phức hợp Sóng Việt nằm tại lô đất 1-17, đường Trần Bạch Đằng, ngay dưới chân cầu Thủ Thiêm 2. Tên thương mại của dự án là The Metropole Thủ Thiêm, tổng diện tích khoảng 7.6 ha, mức đầu tư dự kiến 7,300 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2019, dự án này được UBND TPHCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, bên cạnh đó cách tính tiền sử dụng đất cũng không đúng quy định. Dù vậy, dự án vẫn đang được xây dựng, công nhân của nhà thầu chính vẫn làm việc vào sáng ngày 23/02/2023.
Hồi tháng 09/2022, CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim đã huy động 500 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn mua toà văn phòng có tên The METT thuộc The Metropole Thủ Thiêm, tại địa chỉ lô 1-13. Vào đầu năm nay, Công ty này mua lại trước hạn toàn bộ số trái phiếu trên và ít ngày sau đó lại phát hành lô trái phiếu khác cũng với tổng giá trị 500 tỷ đồng.
The Metropole Thủ Thiêm nhìn từ chân cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Tuấn Trần
Ghi nhận công nhân ra vào và dự án vẫn đang được triển khai vào trưa 23/02. Ảnh: Tuấn Trần
Đối với Khu nhà ở Thiên Lý, chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai suốt 15 năm nay, dù quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt vào năm 2009. Ban đầu, dự án có quy mô 17.4 ha gồm khu nhà ở liền kề, biệt thự vườn, trung tâm thương mại, nhà trẻ mẫu giáo và khu chung cư 15 tầng. Tuy nhiên đến năm 2016, có 4.2 ha thuộc dự án được điều chỉnh cục bộ theo quy hoạch chi tiết 1/500.
Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý được thành lập năm 1996 với vốn điều lệ ban đầu 600 triệu đồng, đến năm 2014, vốn đạt 400 tỷ đồng.
Cổng chào của dự án Khu nhà ở Thiên Lý. Ảnh: Tuấn Trần
Khu đất triển khai dự án Khu nhà ở Thiên Lý bị bỏ hoang, cỏ cây um tùm. Ảnh: Tuấn Trần
Ở khu vực quận 7, UBND TPHCM sẽ đẩy mạnh giải quyết vướng mắc tại dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé (tên thương mại Shizen Home) do Công ty TNHH Gotec Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 10,000 m2, gồm 2 toà nhà 18 tầng nổi, 450 căn hộ. Dự án nằm sát khu chế xuất Tân Thuận đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.
Dự án hiện tại đã xây xong móng và hầm. Tuy nhiên, từ tháng 06/2022 đến nay, chủ đầu tư đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán nhưng đều bị Sở Xây dựng TPHCM trả hồ sơ với lý do rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất.
Công ty TNHH Gotec Việt Nam hiện có vốn điều lệ 936 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập CTCP Tập đoàn Gotec Land đã thoái hết vốn, 3 cổ đông còn lại gồm Công ty TNHH Nam Land nắm 50.748%, ông Nguyễn Việt Anh (Chủ tịch HĐQT) 48.182%, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết 1.07%.
Cổng vào của dự án Shizen Home trên đường Bến Nghé, quận 7. Ảnh: Tuấn Trần
Dự án mở cửa nhưng không có công nhân làm việc (sáng 23/02). Ảnh: Tuấn Trần
Còn tại quận 4, dự án chung cư Cửu Long (tên thương mại De La Sol) nằm tại đường Tôn Thất Thuyết của CapitaLand cũng được chú ý tới. Dự án có 3 toà tháp cao 23 tầng nổi, 2 tầng gầm, diện tích đất 14,500 m2; 870 căn hộ, trong đó 261 căn dự kiến sẽ dành cho nhu cầu tái định cư nếu phù hợp.
Dự án ban đầu do CTCP Đầu tư Sản xuất Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư, sau đó chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Hưng Phú rồi về tay CapitaLand sau khi công ty này mua lại 100% vốn của Việt Hưng Phú. Dự án 4,000 tỷ đồng này đang được rà soát để xác định vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây.
Hiện trạng dự án De La Sol vào ngày 23/02. Ảnh: Tuấn Trần
Công nhân làm việc và xe cơ giới ra vào tấp nập tại dự án De La Sol sáng 23/02. Ảnh: Tuấn Trần
Cuối cùng là Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (tên thương mại Celadon City) nằm ngay đường Bờ Bao Tân Thắng thuộc quận Tân Phú, do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (thuộc Tập đoàn Gamuda Malaysia) làm chủ đầu tư. Ban đầu, dự án có diện tích hơn 90 ha nhưng sau khi chủ đầu tư cũ chuyển nhượng cho Gamuda Land thì đã điều chỉnh lại còn 82.5 ha, diện tích còn lại sẽ được xây dựng thành công viên cây xanh.
Hiện tại, dự án đang bị đình trệ, một phần đang là bãi đất trống bỏ hoang, một số block căn hộ đã bàn giao nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư hiện tại đang có một số bất cập liên quan đến việc nộp thuế và đang bị UBND liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.
Gamuda Land Việt Nam được thành lập năm 2007, hiện có vốn điều lệ hơn 6,240 tỷ đồng, do ông Ng Teck Yow (quốc tịch Malaysia) làm Tổng Giám đốc.
Bãi đất bên trong dự án. Ảnh: Tuấn Trần
Hà Lễ
FILI
|