Thứ Tư, 01/03/2023 07:30

Hàng loạt thủy điện trăm tỉ triển khai ì ạch

Hàng loạt dự án thủy điện có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng ở Quảng Ngãi dù được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai hoặc triển khai nhỏ giọt, cầm chừng

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, đến tháng 1-2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 33 dự án thủy điện đã được quy hoạch, với tổng công suất gần 667 MW. Trong đó, có 16 dự án đã vận hành, với tổng công suất hơn 397 MW; 6 dự án đang đầu tư xây dựng; 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 5 dự án chưa lựa chọn nhà đầu tư. Tổng sản lượng điện sản xuất năm 2022 đạt gần 2 tỉ KWh, doanh thu khoảng 2.330 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 tỉ đồng.

Nhiều thủy điện chưa thi công

Theo Sở Công Thương, dù trên địa bàn tỉnh có 33 dự án thủy điện được quy hoạch nhưng hiện vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa triển khai ngoài thực địa, chưa thực hiện quy định về ký quỹ, thủ tục hồ sơ về môi trường, chậm xin chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất… Hầu hết các dự án đều thực hiện chậm so với tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư ban đầu, phải xin điều chỉnh tiến độ nhiều lần.

Đơn cử, dự án thủy điện Sông Liên 1 với 3 lần điều chỉnh. Dự án này được chấp nhận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư vào tháng 4-2017 và đến tháng 7-2018 xin điều chỉnh chủ trương lần thứ nhất, lần thứ 2 vào tháng 10-2021, lần thứ 3 vào tháng 1-2023.

Hàng loạt thủy điện trăm tỉ triển khai ì ạch - Ảnh 1.

Dù được cấp phép từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành tháng 6-2023 nhưng đến thời điểm hiện tại việc thi công dự án thủy điện Trà Khúc 1 rất chậm

Tương tự dự án thủy điện Trà Khúc 2, triển khai ở huyện Sơn Hà, với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng và được cấp phép nhiều năm qua nhưng dự án này hầu như chưa triển khai, chưa có phương án bồi thường, chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ngoài ra, dự án thủy điện Đăk Đrinh 2, huyện Sơn Hà với tổng vốn gần 800 tỉ đồng và được cấp thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư vào năm 2017 và tiến độ cam kết hoàn thành vào quý III/2023 nhưng đến thời điểm này dự án mới chỉ còn hoàn thành một số thủ tục pháp lý, chưa phê duyệt ĐTM, hầu như chưa triển khai ngoài thực địa…

Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết Sơn Hà là một trong những địa phương có nhiều dự án thủy điện được triển khai. Thế nhưng, ngoài những dự án đã vận hành, đưa vào hoạt động vẫn còn nhiều dự án chưa triển khai dù được cấp phép nhiều năm. "Huyện Sơn Hà đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc các dự án thủy điện sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đã có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhưng quá 3 năm vẫn chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện, gây nhiều khó khăn cho địa phương" - bà Trà cho biết.

Theo UBND huyện Sơn Hà, các dự án thủy điện Sơn Nham do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thủy điện Sơn Linh làm chủ đầu tư và dự án thủy điện Long Sơn do Công ty Cổ phần Thủy điện Long Sơn làm chủ đầu tư được đăng ký trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 đến nay đã quá 3 năm, vẫn chưa phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tương tự, dự án thủy điện Đăk Đrinh 2 do Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đã được đăng ký trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019, xin tiếp tục thực hiện trong năm 2022, song đến nay vẫn chưa thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Sẽ chấm dứt không gia hạn với dự án chậm tiến độ

Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho biết phần lớn các dự án thủy điện chậm tiến độ, chưa triển khai là do khó khăn nhất định khi vướng về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư thiếu tích cực và chưa tập trung nguồn lực triển khai thực hiện dự án như thủy điện Sơn Nham, thủy điện Sơn Linh, thủy điện Đăk Đrinh 2, cụm thủy điện Tây Trà…

"Với những chủ đầu tư khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nhà đầu tư. Còn với những nhà đầu tư không bảo đảm năng lực thực hiện, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh kiên quyết chấm dứt dự án, không gia hạn tiến độ" - ông Rân nói.

Dù được cấp phép từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành tháng 6-2023 nhưng đến thời điểm hiện tại việc thi công dự án thủy điện Trà Khúc 1 rất chậm

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc chậm trễ của các dự án thủy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh ngoài nguyên nhân khách quan thì một phần do các chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với sở, ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư dự án thủy điện phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý, nhất là thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng, xin thu hồi giao đất, cho thuê đất. Chỉ được triển khai thi công xây dựng công trình khi thực hiện hoàn thành đầy đủ các thủ tục pháp lý có liên quan. Chủ đầu tư phải tập trung nguồn lực, rà soát, phê duyệt kế hoạch thi công chi tiết để đẩy nhanh tiến độ lấy lại thời gian đã chậm trễ để bảo đảm hoàn thành dự án như đã phê duyệt. "Trường hợp chậm tiến độ do năng lực của chủ đầu tư hoặc do nguyên nhân chủ quan thì UBND tỉnh kiên quyết không gia hạn tiến độ" - ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, UBND tỉnh cũng lưu ý các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương có dự án phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Chủ đầu tư các dự án thủy điện phải quan tâm đến công tác an sinh, hỗ trợ địa phương có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống người dân trong vùng.

"Các dự án thủy điện triển khai ở các địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nhưng công tác triển khai quá chậm, gây tác động tiêu cực, gây khó khăn cho địa phương thì không thể chấp nhận được" - ông Hiền nói. 

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Người lao động

Các tin tức khác

>   Hải Phòng gọi đầu tư cho dự án đô thị hơn 23 ngàn tỷ (28/02/2023)

>   Hiện trạng 7 siêu dự án TPHCM đang tập trung gỡ vướng (01/03/2023)

>   Á hậu Dương Trương Thiên Lý góp hơn 660 tỷ đồng tiền mặt làm khu nghỉ mát Đà Lạt (28/02/2023)

>   Taseco Land nhận hơn 35 ngàn m2 đất để xây dựng khu đô thị tại Thanh Hóa (28/02/2023)

>   Hưng Thịnh Land mang đến cơ hội nhà ở cho thế hệ 9X tại TP.HCM (28/02/2023)

>   Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu ưu tiên 'cứu' 116 dự án bất động sản đang ách tắc (28/02/2023)

>   Doanh nghiệp 7 tháng tuổi làm dự án cán thép 5.5 ngàn tỷ ở Thanh Hóa (28/02/2023)

>   Hai doanh nghiệp vài tháng tuổi làm dự án hơn 2 ngàn tỷ, Lâm Đồng đề nghị thẩm định (28/02/2023)

>   Dự án bất động sản mắc kẹt vì giấy phép con (27/02/2023)

>   Hải Phòng kêu gọi đầu tư khu đô thị mới Hoàng Xá hơn 3.4 ngàn tỷ (27/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật