Thứ Năm, 02/03/2023 08:43

Các ngân hàng toàn cầu lãi lớn khi lãi suất điều hành tăng cao

Chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng giữa tiền gửi và tiền cho vay đang giúp các ngân hàng thu lợi lớn nhờ khoản chênh lệch.

Theo trang tin Bloomberg, nhiều chủ ngân hàng đang ngồi trên "ghế nóng" khi bị giới chức các nước chỉ trích về việc đã kiếm được quá nhiều lợi nhuận nhờ lãi suất cơ bản tăng cao. Điều này trái ngược hoàn toàn với năm 2008, khi các ngân hàng bị coi là tội đồ vì đã đánh mất hàng tỷ USD dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Được biết, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới liên tiếp tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại lại là nhóm hưởng lợi lớn nhờ chênh lệch chi phí cho vay và đi vay. Điều này khiến tình hình kinh tế đã ảm đạm lại thêm suy thoái vì người tiêu dùng không có động lực vay tiền, và giới chức một số nước đã phải vào cuộc điều tra.

Các ngân hàng tăng mạnh lãi suất cho vay nhưng lại bỏ quên lãi suất tiền gửi. Ảnh: Getty Images.

Chênh lệch lãi suất ngày càng lớn

Tại Australia, 3 trong 4 ngân hàng lớn nhất nước này mới đây đã phải nâng lãi suất tiền gửi sau khi Bộ trưởng Tài chính tuyên bố sẽ điều tra về chênh lệch chi phí lãi vay - gửi. Thủ tướng Australia - ông Anthony Albanese - thậm chí còn mô tả việc này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", khi 2 trong 4 ngân hàng lớn này đưa ra mức lãi suất gửi tiền là 0,85%/năm - kém xa so với mức 5%/năm của lãi vay mua nhà.

Còn tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý tài chính nước này gần đây đã ra thông báo sẽ kiểm tra lãi suất và tổng tài sản của mỗi ngân hàng. Thậm chí, tại một ngân hàng ở Indonesia, chi phí cho vay đã cao hơn lãi suất điều hành tới 4,75%/năm và chạm mốc 10,5%/năm, khiến Tổng thống Joko Widodo phải lên tiếng chỉ trích.

Nhận xét về điều này, bà Sally Tindall - Giám đốc nghiên cứu của web so sánh RateCity - cho biết khoảng cách giữa hai loại lãi suất (cho vay và đi vay - PV) đang ngày càng gia tăng, do đó khách hàng cần kiểm tra thật kỹ trước khi gửi tiền để có được khoản lợi nhuận tốt nhất.

"Đa số khách hàng có lẽ không biết rằng mình đang bị lừa, trong khi đúng ra họ có thể nhận được gấp 4 lần số tiền lãi hiện tại", bà Tindall nói thêm.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương New Zealand - ông Adrian Orr - cho biết: "Vấn đề ở đây là các ngân hàng đã nhanh chóng tăng lãi suất cho vay nhưng lại để lãi suất tiền gửi tụt lại phía sau nhằm kiếm lợi nhuận chênh lệch. Điều này đang gây bất lợi cho nền kinh tế vì lãi suất tiền gửi cao sẽ thu hút dòng tiền và tăng tỷ lệ tiết kiệm, từ đó giúp loại bỏ lạm phát".

Không có động lực nâng lãi suất tiền gửi

Mặc dù khách gửi tiết kiệm sẽ cảm thấy thất vọng, giới đầu tư lại giải thích rằng đây là hành vi điển hình của các ngân hàng trong chu kỳ tăng lãi suất.

Ông Hugh Dive - Giám đốc đầu tư của Atlas Funds Management (Sydney) - cho biết: "Trong hàng trăm năm qua, khi lãi suất chính sách tăng lên, các ngân hàng luôn nhanh chóng chuyển khoản tăng đó cho người đi vay nhưng lại rất chậm chuyển cho người gửi tiền".

Theo ông, nguyên nhân khiến các ngân hàng không muốn đưa ra mức lãi suất tốt để thu hút tiền gửi là vì họ đang ngập trong tiền mặt của các khoản tiết kiệm từ thời đại dịch.

lãi suất ngân hàng ảnh 2

Các ngân hàng có ít động lực để thu hút tiền gửi mới từ người dân. Ảnh: Bloomberg.

"Tuy nhiên, vì không đưa ra mức lãi suất cao hơn cho người gửi tiền, các ngân hàng đang bỏ lỡ cơ hội tạo thiện cảm lâu dài với khách hàng", Giáo sư Mark Williams của Đại học Boston cho biết. Theo vị giáo sư, việc chia sẻ lợi ích sẽ giúp ngân hàng có nhiều khách hàng trung thành hơn và thúc đẩy lợi nhuận tổng thể cao hơn.

Trong khi đó, một số chuyên gia tỏ ra không ủng hộ việc chính phủ can thiệp vào các ngân hàng khi chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng.

Ông John Storey - Trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán ngân hàng tại UBS Group AG - cho biết: "Thật không công bằng khi ngân hàng bắt buộc phải giảm lãi suất cho vay hoặc tăng lãi suất tiền gửi theo yêu cầu của các nhà chức trách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lời của họ và bạn có thể thấy rõ điều đó trong báo cáo tài chính những năm qua".

Theo ông, lợi nhuận tăng lên sẽ mang lại cho các ngân hàng cơ hội xây dựng vốn hay tái cấu trúc và giúp những chủ thể này trở nên mạnh mẽ hơn.

Hằng Nga

ZING

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới tăng khi sản xuất ở Trung Quốc hồi phục mạnh (02/03/2023)

>   Dầu tăng nhẹ trước hy vọng nhu cầu tăng từ Trung Quốc (02/03/2023)

>   Đằng sau quyết định nghỉ hưu của huyền thoại Ray Dalio (01/03/2023)

>   Dầu tăng gần 2% nhờ hy vọng về tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc (01/03/2023)

>   Vàng thế giới ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021 (01/03/2023)

>   Đợt tăng kỷ lục của trái phiếu toàn cầu sụp đổ lại vì lạm phát (28/02/2023)

>   JPMorgan đề xuất chỉ số trái phiếu châu Á mới, giảm tỷ trọng của Trung Quốc (28/02/2023)

>   Fitch: Ngân hàng ở ASEAN đủ bộ đệm để vượt qua các cú sốc kinh tế (28/02/2023)

>   Giới đầu tư thị trường trái phiếu 10,000 tỷ USD đang trên “tàu lượn” (28/02/2023)

>   ChatGPT bị Phố Wall quay lưng (28/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật