JPMorgan đề xuất chỉ số trái phiếu châu Á mới, giảm tỷ trọng của Trung Quốc
Ngoài chỉ số trái phiếu châu Á trị giá 85 tỷ USD hiện tại, JPMorgan đang đề xuất một chỉ số trái phiếu châu Á mới, trong đó giảm tỷ trọng của Trung Quốc, trước bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhu cầu đối với trái phiếu bất động sản của Trung Quốc đang giảm dần.
Đối với chỉ số mới, JPMorgan đã đề xuất cắt giảm tỷ trọng của Trung Quốc xuống gần 30% so với mức khoảng 43% trong chỉ số tín dụng JPMorgan Châu Á (JACI) hiện tại, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay. Trong JACI, trái phiếu Trung Quốc có tỷ trọng lớn nhất.
JPMorgan mô tả chỉ số mới - được đặt tên là JACI châu Á Thái Bình Dương - là một phiên bản "nâng cao" của JACI với sự xuất hiện của nhiều thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương hơn, như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Papua New Guinea, nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin này, trái phiếu của các tổ chức phát hành Trung Quốc vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số mới, tiếp theo là Nhật Bản ở mức 20% và Australia khoảng 10%.
Đề xuất này được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang liên quan tới nhiều vấn đề, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và khí cầu do thám Trung Quốc cho đến xung đột thương mại và cạnh tranh công nghệ. Những vấn đề này đều đang khiến giới đầu tư lo lắng.
Nhiều nhà quản lý quỹ lớn trên toàn cầu đang tránh xa tài sản của Trung Quốc, chấp nhận bỏ lỡ đà phục hồi của thị trường chứng khoán sau khi chính phủ nước này nới lỏng chính sách Zero COVID.
Ban đầu, JPMorgan đề xuất mở rộng JACI hiện tại, nhưng với tỷ trọng của Trung Quốc giảm xuống 29.86% từ mức 43.14%, theo các nguồn tin. Nếu đề xuất cải tổ ban đầu này được thông qua, thị trường tín dụng châu Á có lẽ đã bị ảnh hưởng, với việc các nhà quản lý quỹ chủ động và thụ động bán tháo trái phiếu Trung Quốc để phù hợp với sự thay đổi trên. JACI là chỉ số trái phiếu hàng đầu châu Á, được theo dõi bởi các nhà quản lý quỹ kiểm soát tổng tài sản trị giá hơn 85 tỷ USD.
Theo hai nguồn thạo tin, đề xuất giảm tỷ trọng trái phiếu của Trung Quốc được đưa ra sau khi một số nhà quản lý quỹ kêu gọi JPMorgan cắt giảm tỷ trọng trái phiếu Trung Quốc trong JACI, do hoạt động kém hiệu quả, dẫn tới các sản phẩm thụ động theo dõi chỉ số đó cũng dần bị quay lưng.
Giới đầu tư toàn cầu ngày càng yêu cầu các sản phẩm dành cho thị trường mới nổi hoặc châu Á không tiếp xúc với tài sản Trung Quốc, sau thời kỳ Trung Quốc siết quy định với doanh nghiệp công nghệ và thị trường bất động sản gặp khủng hoảng thanh khoản.
Trái phiếu USD do các tập đoàn Trung Quốc phát hành, chủ yếu là các công ty bất động sản, lâu này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các chỉ số trái phiếu châu Á hoặc của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tiền mặt của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã ảnh hưởng đến cả chiến lược đầu tư chủ động và thụ động theo chỉ số.
Jane Cai, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại China Asset Management, cho biết trong một cuộc họp báo gần đây rằng JPMorgan cũng đang thảo luận nội bộ về việc thành lập một chỉ số tín dụng châu Á không có Trung Quốc. Bà cho biết động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu của một số nhà đầu tư nước ngoài về việc biên soạn một chỉ số không phải của Trung Quốc.
Kim Dung (Theo Reuters)
FILI
|