Thứ Ba, 28/02/2023 19:00

Đợt tăng kỷ lục của trái phiếu toàn cầu sụp đổ lại vì lạm phát

Đợt phục hồi kỷ lục của thị trường trái phiếu toàn cầu kể từ đầu năm nay đã lụi tàn khi các số liệu cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng, buộc các nhà đầu tư phải đảo ngược quan điểm của họ về lộ trình tăng lãi suất có thể xảy ra trong tương lai.

 

Các nhà đầu tư đã đổ xô vào thị trường trái phiếu trong vài tuần đầu tiên của năm 2023 với kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ sớm kết thúc chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của họ.

Một chỉ số của Bloomberg chuyên theo dõi trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ được xếp hạng cao đã tăng tới 4% trong tháng 1, ghi nhận khởi đầu tốt nhất cho một năm.

Nhưng mức tăng đó đã biến mất sau báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ vào đầu tháng 2, và theo sau đó là một loạt dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến ​​ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Tất cả làm tăng kỳ vọng rằng Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu sắp giành chiến thắng trong cuộc chiến với lạm phát.

Kết quả là, lợi suất trái phiếu tăng lên, đồng thời làm đảo lộn đà phục hồi của thị trường chứng khoán, với chỉ số S&P 500 mất 2.7% trong tuần trước.

Chuyến tàu lượn của thị trường trái phiếu toàn cầu vào đầu năm 2023

Michael Metcalfe, giám đốc chiến lược vĩ mô tại State Street, cho rằng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ giờ có vẻ hơi hoang đường.

Sự đảo ngược lớn nhất xảy ra ở Mỹ sau khi dữ liệu cho thấy doanh nghiệp đã tuyển dụng thêm hơn nửa triệu việc làm trong tháng 1, gấp gần 3 lần so với dự báo của giới chuyên gia kinh tế, trong khi lạm phát đứng ở mức 6.4%, cũng cao hơn dự đoán.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chi tiêu tiêu dùng cá nhân cơ bản hàng tháng (PCE cơ bản), cũng tăng 0.6% trong cùng kỳ, cao hơn dự báo đồng thuận của thị trường.

Trước đây, các thị trường tương lai phản ánh làn sóng đặt cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần vào cuối năm nay. Song, giờ đây họ lại dự đoán rằng lãi suất sẽ tăng lên 5.4% vào tháng 7, và nhiều nhất là một lần cắt giảm vào cuối năm nay.

Idanna Appio, nhà quản lý danh mục đầu tư tại First Eagle Investment Management, cho biết: “Đầu năm nay, các thị trường đã định giá quá sớm về các đợt cắt giảm của Fed, với hy vọng chu kỳ thắt chặt này sẽ kết thúc sớm hơn. Họ nghĩ Fed đang kiềm chế lạm phát thành công và nhanh chóng. Nhưng tôi nghĩ rằng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi người nghĩ”.

Xu hướng thay đổi tâm lý được thể hiện rõ khi dòng vốn trái phiếu đã đảo ngược trong những tuần gần đây.

Dữ liệu của JPMorgan cho thấy trái phiếu của các thị trường mới nổi – loại đã tăng vọt trong tháng 1 – tuần trước ghi nhận dòng tiền chảy ra lớn nhất kể từ tháng 10/2022.

Trên toàn cầu, hơn 7 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng “rác” tính đến thời điểm hiện tại của tháng 2, theo dữ liệu từ EPFR. Xu hướng này trái ngược với dòng vốn ròng 3,9 tỷ USD đổ vào hồi tháng trước.

Hàng tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu doanh nghiệp bị xếp hạng thấp trong tháng 2

Để nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao, được xếp hạng thấp, nhà đầu tư đang yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn so với tháng trước – thời điểm mà sự sôi nổi của thị trường làm giảm bớt lo ngại về nguy cơ vỡ nợ.

Chênh lệch lợi suất của trái phiếu “rác” ở Mỹ và trái phiếu Chính phủ nước này đã giảm tới 0.87 điểm phần trăm từ ngày 31/12/2022, xuống còn 3.94 điểm phần trăm vào giữa tháng trước. Nhưng kể từ sau đó, con số này đã tăng lên 4.3 điểm phần trăm.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu rác và trái phiếu Chính phủ Mỹ thu hẹp

John McClain, giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management, dự đoán lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn dự kiến trong tương lai gần. “Chúng tôi dự đoán Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm 2023, và điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến căng thẳng trên các thị trường trái phiếu rủi ro hơn”.

Kỳ vọng thay đổi đồng nghĩa nhà đầu tư chấp nhận lời khẳng định mà Fed đã đưa ra hồi đầu năm rằng lãi suất sẽ vẫn tăng trong một thời gian dài. Một cuộc khảo sát với các quan chức Fed từ tháng 12/2022 cho thấy họ dự kiến lãi suất vào cuối năm nay ở mức khoảng 5.1%.

Một số nhà phân tích đang tự hỏi liệu các dự báo của ngân hàng trung ương có quá bảo thủ hay không.

“Thực sự là có khả năng chúng ta sẽ vượt qua mức lãi suất 6%. Nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục cho thấy sự cải thiện, thì có khả năng thực sự là Fed đang đi sau đường cong vào lúc này và lãi suất phải tăng nhiều hơn dự kiến”, Calvin Tse, giám đốc chiến lược vĩ mô châu Mỹ tại BNP Paribas, cho biết.

Một số nhà đầu tư lớn cho rằng đợt bán tháo gần đây là dấu hiệu cho thấy còn quá sớm để đầu tư vào trái phiếu, mà thời điểm đó có thể sẽ đến vào cuối năm nay.

“Tất nhiên, tại một thời điểm nào đó, Fed sẽ hạ lãi suất, nhưng thị trường đang cố gắng đón đầu điều đó và nó còn quá sớm. Tôi vẫn nghĩ rằng đây là một năm rất tốt để đầu tư vào trái phiếu, tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa tới đúng thời điểm”, Sonal Desai, giám đốc đầu tư của Franklin Templeton nhận định.

Kim Dung (Theo FT)

FILI

Các tin tức khác

>   JPMorgan đề xuất chỉ số trái phiếu châu Á mới, giảm tỷ trọng của Trung Quốc (28/02/2023)

>   Fitch: Ngân hàng ở ASEAN đủ bộ đệm để vượt qua các cú sốc kinh tế (28/02/2023)

>   Giới đầu tư thị trường trái phiếu 10,000 tỷ USD đang trên “tàu lượn” (28/02/2023)

>   ChatGPT bị Phố Wall quay lưng (28/02/2023)

>   Hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để tháo ngòi 'bom trái phiếu' - góc nhìn từ Trung Quốc (28/02/2023)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ khi đồng USD suy yếu (28/02/2023)

>   Dầu giảm 1% do lo ngại lãi suất Mỹ tăng mạnh hơn (28/02/2023)

>   Không phải là fan của bia, Bill Gates vẫn mua cổ phần Heineken (26/02/2023)

>   Vàng thế giới giảm xuống thấp nhất trong 8 tuần (25/02/2023)

>   Dầu đi ngang tuần qua (25/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật